Sân Mỹ Đình đón hơn 11.000 khán giả vẫn không đủ sức giúp đội tuyển Việt Nam tránh khỏi trận thua 0-1 trước Nhật Bản. Xét về yếu tố chuyên môn, việc đội tuyển Việt Nam nhận 5 thất bại liên tiếp ở vòng loại cuối bảng B đủ để cho thấy các đối thủ như Nhật Bản, Úc, Ả Rập Saudi, Trung Quốc hay Oman đều nhỉnh hơn về đẳng cấp.
Bóng đá Việt Nam học được rất nhiều điều từ sự chu đáo, tỉ mỉ của bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc .Ảnh: NGÔ TRẦN
Tuy nhiên, cách chơi của thầy trò HLV Park Hang-seo cũng phần nào cho thấy bóng đá Việt Nam đủ sức tiệm cận trình độ của nhóm các đội tuyển hàng đầu châu lục nếu tiếp tục học hỏi, cọ xát với các trường phái bóng đá đến từ Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.
Đơn cử như câu chuyện về cách người Nhật, người Hàn chuẩn bị cho từng trận đấu, từng giải đấu cũng cho thấy sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng và góp phần mang đến thành công chung của cả một tập thể. Cho dù có sự khác biệt, cả 2 nền bóng đá Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn mang đến cho bóng đá Việt Nam những bài học quý.
Đầu tiên là về sự chuẩn bị con người. HLV Park Hang-seo từng khiến LĐBĐ Việt Nam đau đầu khi ông liên tục đưa ra danh sách trợ lý cần tuyển mộ. Có thời điểm, đội ngũ trợ lý của HLV Park Hang-seo bao gồm cả trợ lý người Việt lẫn đồng hương, lên đến 18 thành viên. Chi phí về lương bổng cho nhóm trợ lý đông đảo này khiến VFF có lúc phải họp hành căng thẳng nhưng nhờ có nhà tài trợ sẵn sàng góp sức, toàn bộ trợ lý mà thầy Park yêu cầu đều được chọn, sử dụng trong từng giai đoạn.
Nhiều người thường đùa cứ 2 tuyển thủ Việt Nam lại được "kèm cặp" bởi 1 thành viên ban huấn luyện. Tuy nhiên, nếu xét mức độ công việc, không một cầu thủ nào kêu ca phàn nàn bởi các trợ lý của HLV Park Hang-seo giúp nâng cao chuyên môn, tâm lý trước khi bước vào những trận đấu khó khăn. Thực tế ở vòng loại cuối World Cup, đội tuyển Việt Nam dù toàn thua cho đến giờ nhưng nhiều trận đấu cho thấy các học trò của HLV Park Hang-seo không e ngại trước đối thủ. Điều đó cho thấy tư duy chuẩn bị kỹ về mặt con người của HLV Park Hang-seo đang đi đúng hướng và phát huy tác dụng.
Sau con người, sự chuẩn bị chu đáo cho từng trận đấu cũng được nhắc đến và đội tuyển Nhật Bản khiến nhiều người phải trầm trồ về chuyện này. Đội ngũ trợ lý của HLV trưởng Hajime Moriyasu lên đến hơn 30 thành viên. Hơn 8 tấn hành lý được người Nhật mang sang Việt Nam chỉ để sử dụng cho 4 ngày hội quân, tập luyện và thi đấu.
Sự chi tiết được chú ý ngay từ khâu ăn uống, vốn được yêu cầu phải bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng cho toàn bộ tuyển thủ Nhật, nhất là khi 17/27 tuyển thủ đang chơi bóng cho nhiều CLB lớn ở châu Âu. Họ luôn yêu cầu rất khắt khe về dinh dưỡng để bảo đảm đủ thể lực thi đấu ngay lập tức dù vừa phải trải qua hành trình di chuyển dài cũng như chỉ tập luyện làm quen đúng 1 trận.
Một hình ảnh ấn tượng khác là các thành viên đội tuyển Nhật Bản liên tục "cụng tay", gửi lời chào đến người bếp trưởng Ariga. Ông vốn là đầu bếp đại diện cho một thương hiệu ẩm thực trứ danh của Nhật Bản tại Việt Nam, nên khi đội tuyển Nhật sang Hà Nội thi đấu, ông lập tức được LĐBĐ Nhật Bản mời đến đứng bếp, phục vụ các ngôi sao.
Với những yếu tố trên, cộng thêm đẳng cấp cao, không có gì ngạc nhiên khi cả Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục nuôi tham vọng tham dự VCK World Cup. Đó cũng là điều mà bóng đá Việt Nam sẽ còn phải học hỏi rất nhiều, đồng thời cần vạch ra lộ trình hướng đến giấc mơ World Cup nhưng là cho 5-10 năm tới.
Bình luận (0)