Sinh sau, đẻ muộn
Kendo đã có một khoảng thời gian tương đối dài góp mặt tại VN. Năm 1973, một số thương nhân Nhật Bản đến Việt Nam làm ăn đã mang theo bộ môn này và hướng dẫn một số bạn bè người Việt cùng tập luyện. Nhưng chỉ được 6 tháng, sau khi các thương gia này về nước, phong trào kendo cũng dần đi vào quên lãng. Trong một lần về thăm quê hương năm 1987, võ sư Hoàng Ngọc Lân (Việt kiều Pháp), người đạt 5 đẳng kendo, biết tin một số bạn bè muốn tập kendo nhưng không có người dạy nên đã tình nguyện làm người hướng dẫn. Sau đó, mỗi năm một lần, ông Lân lại về Việt Nam trong khoảng một tháng để tiếp tục truyền dạy cho các học trò. Tuy vậy, lúc ấy, số người theo học không nhiều. Nhiều người cũng nhầm lẫn khi cho rằng kendo xuất phát từ aikido (trong aikido cũng có phần dạy kiếm nhưng không chuyên và đòn thế thì hoàn toàn khác với kendo). Mãi đến năm 1997, khi võ sư Lân chính thức được Liên đoàn Võ thuật TPHCM mời về giảng dạy cho các HLV võ thuật từ đai đen trở lên thì phong trào mới phát triển có tính hệ thống.
Đại học Hồng Bàng: 500 triệu đồng xây dựng phòng tập kendo
Phong trào tập luyện kendo hiện phổ biến khá rộng rãi ở TPHCM. Hầu hết các trung tâm thể dục thể thao mạnh của TPHCM đều mở các lớp kendo. Bạn Huỳnh Thúy Hằng, sinh viên năm I Trường CĐ Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp, mới tập kendo được 6 tháng, nhận xét: “Ban đầu, khi nhìn các bạn đấu tập, mình thấy sợ lắm. Nhưng khi vào tập luyện thì không còn cảm giác sợ vì kiếm chỉ là kiếm tre, vả lại khi thi đấu thì có mặt nạ và giáp bảo hộ”. Còn bạn Nguyễn Đình Thụy Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Hùng Vương, đã có 3 năm tập luyện, thổ lộ: “Tập luyện kendo, ngoài việc trau dồi sức khỏe thể lực, còn thể hiện tính chiến đấu cao bởi kendo chủ trương lấy công làm thủ, chỉ có tiến lên chứ không được lùi, nó thể hiện tinh thần võ sĩ đạo rất cao”. Đây cũng là câu trả lời của hầu hết bạn trẻ khi được hỏi vì sao yêu thích môn võ này. Theo HLV Trần Duy Phương, HLV kendo quận 5- TPHCM, trong thi đấu, kendo có những quy định rất nghiêm ngặt đề cao tinh thần võ sĩ đạo, sự tôn trọng đối thủ như không được đánh sau lưng đối thủ, chỉ được đánh thẳng và trong tầm mắt của đối thủ. Khi võ sĩ muốn tấn công vào điểm nào của đối thủ thì võ sĩ ấy phải vừa di chuyển, vừa hét lên, đồng thời giậm chân xuống sàn như là một “thông báo” cho đối thủ. Có 5 điểm được phép tấn công trên cơ thể người, bao gồm trán, hai bên thái dương (có mặt nạ bảo hộ) và hai bên hông, có giáp bảo hộ.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hồng Bàng, nói: “Tinh thần kiếm thuật mỗi khi lâm trận giống như dòng nước lũ, chỉ biết tiến lên chứ không hề lùi bước. Do vậy, chúng tôi thấy môn võ này phù hợp với tinh thần cầu tiến của sinh viên”. Ông Hùng cho biết để phát triển phong trào, Trường ĐH Hồng Bàng đã đầu tư 500 triệu đồng xây dựng phòng tập kendo. Còn ông Trương Ngọc Để, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật TPHCM, cho biết đang có kế hoạch phát triển kendo thành một bộ môn độc lập. Nếu thuận lợi thì vào tháng 7 tới, liên đoàn sẽ thành lập bộ môn này và tiếp tục gây dựng phát triển phong trào.
Bình luận (0)