Hàng ngàn câu lạc bộ mọc lên với những hội, nhóm sinh hoạt có hệ thống bài bản và được hướng dẫn, chỉ dạy bởi các HLV có trường lớp. Liên đoàn Quần vợt Việt Nam đã tổ chức nhiều giải đấu quy mô lớn nhằm phát triển bộ môn này theo hướng chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, việc chơi quần vợt phong trào hội, nhóm lại không liên quan đến chuyện đam mê, tìm hiểu về quần vợt chuyên nghiệp. Dẫn chứng rõ nét nhất chính là hiện tượng vắng bóng khán giả tại các giải đấu chuyên nghiệp do Việt Nam tổ chức, mới nhất là Giải Hưng Thịnh Việt Nam mở rộng 2017 đang diễn ra tại TP HCM, mặc dù có sự tham dự của khá đông các tay vợt tốp 200-300 thế giới và giá vé không cao so với chất lượng.
Phần đông khán giả đến sân một phần vì muốn cổ vũ cho các tay vợt nước chủ nhà. Mặt khác, qua các chiến dịch truyền thông rầm rộ, họ cũng tò mò muốn xem tận mắt sự khác biệt đẳng cấp, trình độ của các tay vợt quốc tế so với Việt Nam như thế nào. Chỉ một số ít chuyên gia có tầm hiểu biết về quần vợt chuyên nghiệp đến xem vì đam mê thực thụ, chứng kiến các tay vợt chuyên nghiệp ngoài đời thay vì vẫn thường thấy qua màn hình tivi. Họ luôn luôn dự khán các trận đấu đỉnh cao cho dù có tay vợt nước chủ nhà thi đấu hay không. Điều đáng buồn là ít có tay vợt Việt Nam đến sân học hỏi, rút kinh nghiệm từ các đồng nghiệp tài giỏi hơn mình.
Quần vợt phong trào chỉ có tác dụng làm giàu thêm quan hệ xã hội, rèn luyện sức khỏe và không bị tụt hậu. Quần vợt chuyên nghiệp lại khác, cần có tầm hiểu biết sâu rộng và đam mê theo dõi từng trận đấu trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện truyền thông. Đấy có thể là nguyên nhân khiến các giải quần vợt quốc tế tại Việt Nam lại heo hút khán giả đến vậy.
Các nhà tổ chức hẳn cần một cuộc khảo sát, điều tra công phu để tìm cách lôi kéo khán giả đến sân, tránh trường hợp bỏ ra không ít công sức mở giải nhưng khán đài lại vắng lạnh…
Bình luận (0)