Vượt qua vòng loại ngay từ ngày 19-8 với vị trí thứ nhì sau đội đua Iran, 4 VĐV tự xem nhau là "chị em" gồm Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền, Lường Thị Thảo và Hồ Thị Lý đã tiếp tục lao vào tập luyện trong suốt 4 ngày qua. Chỉ riêng việc Thanh Huyền bị sốt nhẹ cũng khiến ban huấn luyện (BHL) lẫn lãnh đạo đoàn thêm âu lo khi lực lượng dự bị không có, khuyết một vị trí coi như mọi dự định đều tiêu tan.
Bốn năm trước, rowing Việt Nam từng thất bại trước Trung Quốc ở chung kết nội dung thuyền nhẹ 4 tay chèo và ê-kíp giành HCB ASIAD Incheon (Hàn Quốc) ngày ấy chỉ còn Phạm Thị Thảo trụ lại. Cô "chị cả" 29 tuổi quê Thái Bình cũng đã từng giành HCB nội dung thuyền W2X cùng với Phạm Thị Huệ ở kỳ ASIAD 2010 tổ chức ở Quảng Châu (Trung Quốc). Giàu thành tích, lại dày dạn kinh nghiệm trên đấu trường quốc tế nên dù mới sinh con được 4 tháng, Thảo vẫn được BHL mời trở lại và gặt hái thành công ngoài mong đợi.
Đội thuyền chèo 4 của Việt Nam trong lễ trao huy chương Ảnh: REUTERS
Người hâm mộ chắc chắn sẽ còn nhớ mãi đến người phụ nữ quê mùa, mộc mạc Phạm Thị Thảo ở chỗ dù không hề biết bơi, suýt chết đuối khi đã là VĐV nhưng vẫn cứ trở thành một trong những tay chèo lừng danh ở đấu trường châu Á. Hồ Thị Lý từng đậu vào cao đẳng, tranh thủ làm phu hồ để kiếm kế sinh nhai nhưng bỏ tất cả để theo rowing còn Tạ Thanh Huyền từng là VĐV năng khiếu… bơi lội bị "rủ rê" sang môn chèo thuyền!
Ngay cả BHL cũng có những dự báo không thật chuẩn xác về các đối thủ tại ASIAD 2018. Sau khi giành HCV tại Incheon 2014, Trung Quốc không đầu tư mạnh về nội dung này và thay vào đó, Iran - chứ không phải Hàn Quốc, Thái Lan hay chủ nhà Indonesia - nổi lên như một ứng viên sừng sỏ nhất cho chức vô địch năm nay. Đội đua của quốc gia Hồi giáo này đã xếp nhất vòng loại với 1 giây tốt hơn so với thành tích của đội Việt Nam và ở chung kết, dàn nữ VĐV cao to, lực lưỡng của Iran đã liên tục gây khó cho Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền, Lường Thị Thảo và Hồ Thị Lý trong suốt đường đua.
Cảm giác sốt ruột, chờ đợi tấm HCV đầu tiên của cả đoàn Việt Nam hơn 4 ngày qua cuối cùng đã vỡ òa thành niềm vui không gì sánh bằng khi vào buổi trưa 23-8, đội tuyển rowing Việt Nam đã xuất sắc vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh để giành chiến thắng chung cuộc ở nội dung thuyền nhẹ 4 tay chèo nữ. Xuất phát tốt khi vượt lên ở 500 m đầu, duy trì tốc độ để sau 1.000 m bỏ xa các đối thủ đến 3 giây để rồi 4 cô gái Việt Nam tung nước rút thần tốc, vượt lên giành chiến thắng trong sự ngỡ ngàng của các đối thủ mạnh Iran, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Indonesia. Thành tích của tuyển Việt Nam là 7 phút 1 giây 11, vượt xa đối thủ về nhì là Iran tới hơn 3 giây và đối thủ Hàn Quốc tới hơn 5 giây.
Dốc hết sức cho cuộc tranh tài để rồi khi bước lên bờ, các tay chèo của Việt Nam đều bị nôn khan. Tính ra, đây chính là HCV môn Olympic đầu tiên mà thể thao Việt Nam giành được tại đấu trường ASIAD (năm 1998, Hồ Nhất Thống giành HCV taekwondo thì 2 năm sau, môn võ này mới có mặt ở Olympic Sydney; năm 2010, Lê Bích Phương giành HCV karatedo và môn này sẽ chỉ có mặt tại Olympic từ năm 2020; tương tự là những tấm HCV của thể hình, karatedo năm 2002, của cầu mây năm 2006 và wushu năm 2014).
* Ngoài 300 triệu đồng được thưởng nóng, đội rowing nữ còn nhận thêm 50 triệu đồng từ Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện, 300 triệu đồng từ các nhà tài trợ của đoàn Việt Nam và VOV thưởng thêm 200 triệu đồng.
Chờ thêm HCV từ rowing, hy vọng Ánh Viên phục hận
Một ngày được dự báo ít thành công lại gặt hái những thành tích ngoài mong đợi với 1 HCV rowing, 1 HCB wushu (Bùi Trường Giang hạng cân 56 kg), đoàn Việt Nam như được tiếp thêm sức mạnh và sự tự tin cho ngày thi đấu thứ sáu (24-8).
Niềm hy vọng sẽ được đặt vào chàng trai Lê Thanh Tùng ở hai nội dung chung kết nhảy chống và xà đơn (TDDC); vào hai tay đua ở các cự ly 20 km, 40 km tính giờ cá nhân nam, nữ Nguyễn Thị Thu Mai, Trần Thanh Điền (xe đạp); vào 8 trận tứ kết đối kháng môn Pencak Silat, theo đó, bảo đảm có được ít nhất 4 vé vào bán kết; vào Nguyễn Thị Giang và đồng đội ở ba đợt thi chung kết môn rowing các nội dung thuyền chèo đơn, thuyền 4 tay chèo nữ và thuyền 8 tay chèo nam…
Kình ngư Ánh Viên sau lần xuống nước bất thành ở cự ly 400 m hỗn hợp chắc chắn sẽ tính toán để có được thành tích tốt nhất ở đường bơi 200 m hỗn hợp nữ; các xạ thủ Ngô Hữu Vương, Trần Hoàng Vũ (10 m mục tiêu di động), Hà Minh Thành, Phan Công Minh (25 m súng ngắn bắn nhanh), Lê Thị Linh Chi, Bùi Thúy Thu Thủy (10 m súng ngắn hơi nữ) cũng quyết tâm tìm kiếm những thứ hạng cao nhất.
Indonesia tăng tốc chưa ấn tượng
Ở nội dung đơn môn vòng treo sở trường, Đặng Nam chỉ giành được 14,500 điểm, xếp hạng 5 sau các VĐV của Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Bắc - Trung Quốc và Hồng Kông - Trung Quốc. Như vậy, sau 4 ngày tranh tài, thể dục dụng cụ Việt Nam vẫn chưa giành được huy chương nào.
Đặng Nam trong phần thi tối 23-8 Ảnh: REUTERS
Với 1 HCV và 1 HCB trong ngày 23-8, đoàn Việt Nam đã có 1 HCV, 4 HCB và 7 HCĐ, từ vị trí 20 vươn lên hạng 14 trên bảng tổng sắp huy chương tạm thời.
Chủ nhà Indonesia là quốc gia Đông Nam Á có thành tích tốt nhất, hiện xếp ở thứ 5 (8 HCV, 6 HCB, 10 HCĐ). Đây là kết quả không mấy bất ngờ khi 2 trong số 8 ngôi vô địch đến từ lợi thế sân nhà (xe đạp băng đồng), 3 HCV khác đến từ các môn mới mà họ tìm mọi cách để đưa vào nội dung tranh tài tại đại hội lần này (nhảy dù thể thao, leo núi thể thao) và 1 ngôi vô địch đến từ thế mạnh truyền thống (cử tạ)… Giới truyền thông còn nhắc mãi về tấm HCV duy nhất ở môn wushu mà Lindswell Lindswell mang về ở nội dung phối hợp Thái cực quyền - Thái cực kiếm. Nữ võ sĩ 26 tuổi này từng tuyên bố giải nghệ nhưng vẫn quay lại tranh tài ở ASIAD 18, đủ để Tổng thống Indonesia Widodo chấp nhận ngồi hàng giờ để chứng kiến cô đăng quang!
Hai cường quốc thể thao Đông Nam Á khác là Thái Lan xếp hạng 6 (6, 4, 16) và Singapore xếp thứ 13 (2, 1, 6).
Đ.LINH
Bình luận (0)