Sau “phát pháo” đầu tiên từ HLV đội tuyển bóng đá U21 Gareth Southgate, đến lượt các ngôi sao ở những môn thể thao khác đã lên tiếng đả kích thái độ kỳ thị của tiền vệ CLB Arsenal.
Trên trang Twitter của mình, Kevin Pietersen - tuyển thủ cricket gốc Nam Phi, có mẹ là người Anh - chất vấn Wilshere: “Không biết anh định nghĩa thế nào về những người nước ngoài? Khái niệm đó của anh có bao gồm cả tôi, Andrew Strauss, Jonathan Trott, Matthew Prior, Justin Rose, Chris Froome và Mo Farah?”
Kevin Pietersen - tuyển thủ cricket Anh
Khỏi phải nói Wilshere đã lo lắng thế nào khi chọc phải “tổ kiến lửa”. Những người mà Kevin Pietersen nêu tên đã và đang đóng góp rất nhiều cho các đội tuyển cricket, xe đạp và điền kinh Anh quốc dù gốc gác của họ không phải người Anh chính gốc, cũng không chắc tất cả đã sinh ra và lớn lên tại đất nước Anh.
Wilshere vội vã trả lời cũng trên trang Twitter: “Với tất cả sự kính trọng đối với Mr. Pietersen, câu trả lời của tôi chỉ liên quan đến lĩnh vực bóng đá, tôi không hàm ý gì với các môn cricket, xe đạp hay điền kinh cả”.
Ngay lập tức, Pietersen trả đũa: “Chẳng có sự khác biệt nào cả. Tất cả chúng tôi đang đại diện cho quê hương của anh, ở tất cả lĩnh vực thể thao”.
Nhà vô địch điền kinh Thế vận hội 2012 Mo Farah
Vậy là chỉ một phát biểu mạnh mẽ, đầy cá tính về việc FA không nên gọi một cầu thủ gốc gác nước ngoài như tiền vệ gốc Bỉ Adnan Januzaj (M.U) thi đấu cho đội tuyển Anh trong tương lai, Jack Wilshere đã làm dậy sóng những chuyện hậu trường xung quanh việc đóng góp của các VĐV nhập tịch cho các môn thể thao của Anh quốc trong quá khứ và cả hiện tại. Wilshere giãi bày trên Twitter cá nhân: “Tôi ngưỡng mộ những nhân vật Kevin Pietersen hay Mo Farah, họ là niềm tự hào của thể thao Anh quốc. Phát biểu của tôi chỉ nói về bóng đá, sẽ ra sao khi một người trưởng thành đến sinh sống ở quốc gia mới, chỉ cần có được tấm hộ chiếu là có thể khoác áo đội tuyển quốc gia? Không lý cứ sống đủ 5 năm ở Anh, người ta bỗng trở thành một công dân Anh hay sao? Tôi không đồng tình với cách nhìn nhận này. Mọi người chỉ nên cống hiến cho quê hương mình mà thôi. Đội tuyển Anh nên dành cho những người Anh”.
Quan điểm mạnh mẽ của Jack Wilshere ngay từ đầu đã không được Chủ tịch LĐBĐ Anh Greg Dyke đồng tình khi ông cho rằng ý tưởng này “quá cực đoan”. Chưa ai quên, một trong những trung vệ nổi tiếng nhất trong lịch sử đội tuyển Anh - John Barnes - là một người gốc Jamaica.
Cựu tiền đạo tuyển Anh John Fashanu
Dựa vào một câu trong phát biểu của Wilshere, rằng nếu sống đủ 5 năm ở Tây Ban Nha, anh cũng sẽ không khoác áo đội tuyển nước này, cựu tiền đạo CLB Wimbledon và tuyển Anh John Fashanu trả lời ngay: “Wilshere đã nói đúng! Tầm của cậu ta làm sao đủ để được vào đội tuyển Tây Ban Nha? Hỡi các bạn cầu thủ gốc nước ngoài, các bạn hãy đến đây và giành chỗ đứng của mình ở đội tuyển Anh. Những người Anh chính gốc không thể làm việc chăm chỉ bằng chúng ta”.
Fashanu nhắc lại câu chuyện về một cầu thủ gốc Canada, Owen Hargreaves, người đã có màn trình diễn xuất sắc trong trận tứ kết World Cup 2006 giữa Anh và Bồ Đào Nha. Trận đấu đó, Wayne Rooney nhận thẻ đỏ rời sân và tuyển Anh thua ở loạt đá luân lưu sau khi hòa 0-0 ở giờ đấu chính thức. Theo Fashanu, chính Owen Hargreaves đã cầm trịch rất tốt, giúp tuyển Anh với 10 người đứng vững suốt 120 phút ở cuộc kịch chiến này.
Wilshere nghĩ gì về phát biểu cực đoan của mình?
HLV tuyển bóng đá U21 Anh Gareth Southgate nói rõ: “Đội bóng của tôi có rất nhiều cầu thủ không sinh ra ở Anh nhưng gia đình họ đã định cư ở đây đã lâu. Quan trọng là họ đều tự hào được thi đấu cho màu cờ sắc áo Anh quốc”.
Bình luận (0)