Trước ngày khai mạc Giải Vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới 2017 tại TP Mexico City, website chính thức của giải và báo chí nước chủ nhà đề cập khá nhiều đến cuộc tranh tài dự báo sẽ rất hấp dẫn giữa đương kim vô địch thế giới hạng 49 kg Adesokan Yakubu (Nigeria) và nhà vô địch Paralympic Rio 2016 Lê Văn Công, người đang nắm giữ kỷ lục thế giới 183 kg.
Ngay ở lần thi đầu tiên, Yakubu chỉ nâng thành công mức tạ 175 kg trong khi thành tích của Công hơn đối thủ đến 3 kg. Chỉ tiếc là cuộc đối đầu được chờ đợi lại ngã ngũ quá sớm bởi Yakubu thất bại ở cả hai lần thực hiện sau đó khi nâng trọng lượng tạ lên 178 kg. Chín VĐV tham gia tranh tài nhưng đến thời điểm ấy, cuộc chơi chỉ còn là màn thi thố tay đôi giữa Lê Văn Công và Qarada Omar, á quân Paralympic 2016 người Jordan.
Omar nâng được mức tạ 178 kg ở lần thực hiện thứ nhì trong khi Công vượt lên với 181 kg. Cả hai đều không thành công ở lần thực hiện thứ ba nhưng HCV đã chắc chắn thuộc về VĐV Việt Nam. Theo quy định dành cho VĐV nắm giữ kỷ lục thế giới, Lê Văn Công được phép thi lần thứ tư và anh đã nâng được mức tạ "khủng" 183,5 kg, phá kỷ lục thế giới do chính anh thiết lập cách đây 1 năm tại Paralympic Rio 2016 đúng 0,5 kg.
Không bảo vệ được danh hiệu vô địch nhưng lực sĩ 38 tuổi Yakubu vẫn xứng đáng là một tượng đài của thể thao người khuyết tật (TTNKT) thế giới bởi chính anh là động lực để chàng trai Việt Nam trẻ hơn 5 tuổi Lê Văn Công bám đuổi suốt nhiều năm qua. Tại ASEAN Paragames 2013, Công lập kỷ lục mới của đại hội với thành tích 176 kg, phá kỷ lục châu Á đồng thời bắt kịp kỷ lục thế giới khi ấy do Yakubu nắm giữ. Một năm sau, lực sĩ Việt Nam liên tiếp xô ngã 2 kỷ lục thế giới 181,5 kg rồi 182 kg nhưng ở Giải Vô địch thế giới 2014, anh vẫn phải nhường bước đối thủ Nigeria trên bục nhận huy chương khi kém hơn đúng 1 kg!
Cuộc đối đầu với Yakubu càng trở nên thú vị tại Paralympic Rio 2016 khi Lê Văn Công mang về HCV Thế vận hội cao quý đầu tiên cho TTNKT Việt Nam. Thành công của Công khiến Yakubu bật khóc ngay tại Rio bởi ngày thi đấu, anh ngủ dậy trễ và tập trung muộn mất 30 phút. Phát hiện bị dư ký nhưng Yakubu không đủ thời gian cho các động tác giảm cân thông thường, đành chấp nhận bỏ cuộc.
Chiến thắng có phần may mắn lần ấy đã trở nên thuyết phục hơn ở chuyến du đấu tại Mexico năm nay khi Yakubu thật sự "tâm phục khẩu phục" trước sự tiến bộ của Lê Văn Công. Nếu như biết rõ Văn Công chỉ trong vòng 3 tháng giành được cú hat-trick HCV lần lượt tại các đấu trường ASEAN Paragames 9, AIMAG 5 và lần này là giải vô địch thế giới, lực sĩ người Nigeria này hẳn không quá muộn phiền vì thất bại của mình.
Chào đời với hai chân bị teo tóp, Văn Công rời quê vào miền Nam sinh sống bằng nghề sửa chữa điện tử tại TP HCM. Duyên số đưa đẩy để chàng trai quê Hà Tĩnh này đến với thể thao, vượt qua muôn ngàn sóng gió, kể cả quãng thời gian dài tưởng phải giải nghệ, để có được nhà vô địch kiêm kỷ lục gia thế giới như ngày hôm nay. "Tàn nhưng không phế", "Yếu chân thì còn tay, làm được gì có ích thì làm" chính là nguyên tắc sống của Văn Công, người đưa TTNKT Việt Nam lên bản đồ thể thao thế giới.
Trước mắt, được thưởng 80 triệu đồng
Đại diện Phòng Quản lý Thể thao thành tích cao, Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM cho biết mới dự trù thưởng theo quy định: HCV thế giới khoảng 80 triệu đồng, kèm thưởng phá kỷ lục thế giới. Ngoài ra, sẽ có thêm một số khoản do các nhà tài trợ ủng hộ.
Bình luận (0)