Nếu nói Campuchia tận dụng lợi thế chủ nhà để săn huy chương, chủ yếu ở các môn võ hoặc nội dung tranh tài cá nhân như kun Bokator (võ cổ truyền Campuchia), jujitsu, cờ ốc, thể thao điện tử, kun Khmer, cầu mây, soft tennis, aquathlon, Vovinam... thì chưa hẳn đã chuẩn xác.
Bóng đá nam, nữ Campuchia suýt làm nên kỳ tích lần đầu tiên cùng vào đến bán kết một kỳ SEA Games nếu tuyển U22 chủ nhà bất ngờ sẩy chân trước Myanmar. Dẫu vậy, việc tự nắm bắt cơ hội lần đầu tranh chấp huy chương khu vực mở ra cả một tiền đồ xán lạn cho bóng đá nữ nước này. Tương tự và có phần vẻ vang hơn chính là màn "địa chấn" mà tuyển bóng chuyền nam Campuchia tạo nên khi đánh bại cựu vô địch Thái Lan để góp mặt lần đầu ở trận tranh ngôi vô địch.
Tuyển bóng đá nữ Campuchia (trái) lần đầu vào bán kết SEA Games. (Ảnh: VĂN HƯƠNG)
Câu chuyện của thể thao Campuchia tiến bước dài đến đâu nhờ SEA Games, có lẽ phải chờ đến khi đại hội kết thúc. Trước mắt, chủ nhà đang tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc đầu tiên sau 64 năm, kể từ kỳ SEAP Games lần I năm 1959.
Thể thao Campuchia không hề ăn may. Phó trưởng BTC SEA Games 32 Thong Khon cho biết Campuchia đã cử khoảng 40% số VĐV đi nước ngoài tập huấn và thi đấu để nâng cao năng lực, kỹ thuật trước SEA Games 32. Con số gần 200 tuyển thủ các bộ môn điền kinh và Vovinam Campuchia tập huấn dài hạn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP HCM là một trong những ví dụ cụ thể cho quá trình chuẩn bị dài hơi và công phu nói trên.
Không đặt nặng thành tích mà chỉ mong mỏi tạo dựng nền tảng từ việc đăng cai SEA Games 32, hướng tới việc nâng chất cả nền thể thao lâu nay vẫn ở tốp cuối khu vực, Campuchia đang tạo nên một hình ảnh đẹp tại SEA Games 32 khi trong 3 ngày qua, dường như chưa xuất hiện bất cứ tranh cãi, kiện cáo gì dù hầu hết các môn đều thuộc dạng cảm tính, nghĩa là trọng tài "thích" ai thì cho người ấy thắng.
Có thể nay mai, chủ nhà Campuchia sẽ phải nhường lại ngôi đầu cho những "đại gia" thể thao trong khu vực nhưng chắc chắn họ vẫn sẽ có một kỳ SEA Games đáng nhớ trên sân nhà.
Bình luận (0)