Tuy nhiên, con số này thực sự chưa... tương xứng với những diễn biến trong 9 lượt trận đấu vừa qua, bởi các trọng tài còn tỏ ra quá nương tay. Giám sát Trần Quốc Tuấn nói: “Thực sự là con số thẻ phạt do các trọng tài rút ra còn quá ít. Có những tình huống trên sân, nếu các trọng tài cương quyết, trận đấu có thể lập... kỷ lục về số thẻ phạt, nhưng do chùng tay hoặc lo ngại vì những áp lực ngoài sân cỏ nên đã không dám thẳng tay trừng trị”. Giám sát Tuấn cũng cho biết, điều đáng buồn là những hành vi mang tính bạo lực, phi thể thao diễn ra trên sân cỏ trong nửa đầu V-League 2001-2002 đã tăng hơn rất nhiều so với mùa giải trước.
Bạo lực: Lỗi tại ai?
Chấn thương mới nhất của Đỗ Khải, khiến trung vệ thép này có thể phải giã biệt sân cỏ; hay việc Hồng Sơn, Thạch Bảo Khanh, Huỳnh Đức... phải ngồi ngoài trong nhiều trận đấu dường như chỉ là một phần nổi của tảng băng. Vì thế, cần phải đặt câu hỏi: Vì sao chất lượng trận đấu cứ dậm chân tại chỗ còn hành vi bạo lực lại tăng đột biến?
Theo giám sát Phạm Quang, có hai nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, là do ý thức tôn trọng tính cao thượng của bóng đá (thể thao) của các cầu thủ còn rất kém. Vì vậy, nhiều tình huống trên sân, các cầu thủ đã chơi theo kiểu triệt hạ đối phương để đạt hiệu quả cuối cùng chứ không phải cố gắng để chiến thắng bằng chính năng lực thật sự của mình. Thứ hai, sự hiểu biết luật của các cầu thủ VN nhiều khi còn rất... lơ mơ, không ý thức được hành vi phạm lỗi của mình, làm ảnh hưởng đến việc xử phạt của các trọng tài. Ông Quang lấy ví dụ về quả phạt đền mà trọng tài Võ Minh Trí cho Sông Lam Nghệ An (SLNA) hưởng trong trận gặp Công an Hà Nội (CAHN). Theo ông Quang, trọng tài Trí đã hoàn toàn chính xác trong việc phạt Minh Đức (2 - CAHN), vì cầu thủ này chuồi bóng phía sau đối với Iddi Batambuze (14 - SLNA), nhưng phía CAHN vẫn phản đối rất gay gắt!
Hạn chế bạo lực bằng cách nào?
Các thành viên Ban Tổ chức (BTC) V-League đều chung một quan điểm, đấy là “cải tạo” từ trong chính nhận thức của các cầu thủ và trọng tài - nhân vật chính của các trận đấu - là quan trọng nhất.
Bước vào giai đoạn 2, BTC V-League 2001-2002 cho biết sẽ có những biện pháp mạnh tay để cải thiện thực trạng đáng buồn này. Theo ông Vũ Hạng, phụ trách vấn đề trọng tài tại V-League 2001-2002, trong đợt tập huấn hai ngày tại Đà Nẵng nhằm rút kinh nghiệm và nâng cao trình độ cho lực lượng trọng tài sắp tới, BTC sẽ khuyến cáo các trọng tài phải xử lý cương quyết hơn đối với những hành vi phi luật của cầu thủ. Với biện pháp này, BTC hy vọng sẽ hạn chế được nạn bạo lực gia tăng trên sân cỏ.
Bình luận (0)