Sau khi bản danh sách ứng viên được đề cử tham gia ban chấp hành LĐBĐ Việt Nam (VFF) khóa 8 (nhiệm kỳ 2018-2022) được công bố tối 18-4, khá bất ngờ khi xuất hiện thêm một số ứng viên ở các chức danh chủ chốt.
Đáng chú ý nhất là vị trí phó chủ tịch (PCT) tài chính và vận động tài trợ của VFF có thêm ứng viên thứ ba là ông Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Động Lực. Cùng ứng cử chức danh này với ông Lê Văn Thành sẽ là gương mặt quen thuộc Trần Anh Tú (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPF), người còn lại là doanh nhân Trần Văn Liêng, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng Giám đốc Công ty Ca cao Việt Nam.
Thực ra ông Lê Văn Thành không xa lạ với những người làm bóng đá Việt Nam. Nhiều năm cung cấp bóng thi đấu cho các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng như những giải trẻ như U21, U19 hay U17 quốc gia..., người đứng đầu Động Lực cũng có những mối quan hệ thân thiết với nhiều đội bóng. Chưa kể, ông Thành từng là đối thủ của bầu Đức trong cuộc đua vào ghế phó chủ tịch VFF cách đây 4 năm. Tuy nhiên, vào giờ chót - trước khi ra đại hội bỏ phiếu, ông quyết định rút lui.
Bên cạnh chức danh PCT tài chính và vận động tài trợ, vị trí PCT truyền thông cũng liên tục có những biến động. Sau khi ông Lê Thành Trung, Giám đốc truyền thông của HDBank, rút lui, lại có 2 ứng viên khác được đề cử, nâng tổng số ứng viên lên thành 6 người. Hai nhân vật mới khiến nhiều người khá ngạc nhiên là ông Phan Anh Tú, Tổng Thư ký LĐBĐ Hà Nội và ông Lương Hoàng Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo.
Ông Lê Văn Thành một lần nữa ứng cử ghế phó chủ tịch VFF dù đại hội trước rút lui vào giờ chót Ảnh: Quang Liêm
Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, chưa bao giờ người ta chứng kiến trước thềm đại hội VFF lại xuất hiện nhiều ứng viên cho nhiều chức danh chủ chốt như ở khóa 8. Chính vì vậy mà trong cuộc gặp giữa đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Tổng cục TDTT và Thường trực Ban Chấp hành VFF hôm 18-4, Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã nhắc đến chuyện các ứng viên cần có đề án tranh cử những chức danh chủ chốt của VFF. Tuy Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch không bắt buộc mọi ứng viên phải trình bày đề án nhưng với dư luận, đó là điều rất cần thiết để hiểu rõ mục đích mà những ngươi này muốn làm ở khóa 8. Từ đó, người hâm mộ bóng đá Việt Nam có thể dễ dàng theo dõi, nắm bắt được hoạt động, sự hiệu quả mà các ứng viên sẽ làm cho bóng đá nước nhà.
Trao đổi với phóng viên, một số doanh nhân, nhà báo cũng như những gương mặt quen thuộc sẽ tham gia ứng cử các chức danh chủ chốt ở VFF như ông Trần Văn Liêng, ông Lê Văn Thành, ông Lương Hoàng Hưng, ông Cao Văn Chóng hay ông Dương Vũ Lâm... đều ủng hộ đề xuất của Thứ trưởng Lê Khánh Hải. "Tôi đang chuẩn bị tổ chức họp báo để công bố đề án tranh cử vào ghế PCT tài chính và vận động tài trợ VFF. Tôi sẽ huy động được nguồn lực từ giới doanh nhân để hỗ trợ tuyệt đối cho các hoạt động của VFF nhiệm kỳ 2018-2022" - ông Trần Văn Liêng tự tin.
Trong khi đó, ông Lương Hoàng Hưng cho rằng với kinh nghiệm từng tham gia tổ chức giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam cũng như thâm niên trong nghề báo, ông biết VFF cần gì để thay đổi, nâng tầm hơn nữa hình ảnh chuyên nghiệp, đưa bóng đá Việt Nam vươn xa.
"Thay vì nói suông rằng chúng ta sẽ làm thế này, thay đổi thế kia, tôi nghĩ các ứng viên cần đưa ra đề án cụ thể những gì sẽ đóng góp được cho bóng đá nước nhà. Thậm chí, cần lấy bài học của anh Đoàn Nguyên Đức, sẵn sàng từ chức PCT VFF nếu U23 Việt Nam của lứa Công Phượng không vô địch SEA Games. Anh Đức dám nói dám làm nên tuy làm mích lòng một số người ở VFF nhưng lại được công luận ủng hộ" - ông Hưng nhìn nhận.
Công Vinh ứng cử vào ban chấp hành VFF
Với việc được đề cử vào ủy viên ban chấp hành VFF khóa 8, quyền Chủ tịch CLB TP HCM Lê Công Vinh trở thành ứng viên trẻ nhất trong lịch sử các kỳ đại hội VFF. Với những nỗ lực đổi mới hình ảnh và nâng chất CLB TP HCM theo hướng chuyên nghiệp nhất, Công Vinh được kỳ vọng nếu lọt vào danh sách 17 ủy viên ban chấp hành khóa mới sẽ góp phần tạo nên những bước đột phá ở VFF.
Bình luận (0)