Nhằm hỗ trợ Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh trong cuộc chiến bảo vệ bản quyền truyền hình, Tòa án tối cao Vương quốc Anh mới đây đã yêu cầu những nhà cung cấp dịch vụ internet (ISPs) tại quốc đảo này phải có biện pháp ngăn chặn người dùng chia sẻ trái phép hình ảnh thu trực tiếp từ các trận đấu mùa giải 2017-2018 lên các trang mạng xã hội thông qua kết nối internet.
Thị trường hàng công nghệ Anh tràn ngập các thiết bị giúp xem bóng đá miễn phí
Quyết định của tòa án sẽ giúp các nhà quản lý bóng đá tại Anh có cơ sở pháp lý để chống lại việc mua bán lậu bản quyền hay xem "chui" các trận đấu bằng những thiết bị phổ biến IPTV hoặc đầu thu Kodi (một loại đầu thu set-top-box được thiết kế phần mềm ứng dụng miễn phí, cho phép người sử dụng có thể xem phim, nghe nhạc, chơi games và thiết kế hình ảnh một cách dễ dàng nhưng bị những nhà cung cấp lợi dụng để chia sẻ phim ảnh, chương trình truyền hình, kênh thể thao… bất hợp pháp).
Phần mềm do Kodi cung cấp bị xem là bất hợp pháp ở Anh
Một quyết định tương tự từng được Tòa án Vương quốc Anh ban hành trong hai tháng cuối cùng của mùa giải 2016-2017 vừa qua sau khi một số liệu chính thức được công bố về hơn 5.000 địa chỉ IP bị khóa do tham gia vào việc chia sẻ trái phép hình ảnh các trận đấu bóng đá. Con số này thực sự là nỗi ám ảnh với các nhà đài Sky Sports và BT Sport, những hãng truyền hình chấp nhận bỏ ra hơn 8 tỉ bảng để được độc quyền phát sóng hình ảnh giải Ngoại hạng Anh trong ba mùa giải, kéo dài đến tháng 6-2019. Họ đầu tư mạnh tay để nâng cấp máy móc, trang thiết bị, xây trường quay hiện đại, áp dụng những công nghệ phân tích trận đấu hiện đại nhất và thuê những bình luận viên giỏi nhất. Chỉ có điều, lượng thuê bao truyền hình giảm tới 19% trong ba tháng đầu mùa và sau khi nhao nhác tìm kiếm nguyên nhân, các chuyên gia của Sky Sports và BT Sport phát hiện một trong những thủ phạm hàng đầu là chính là "live stream"!
Sky Sports và BT Sports mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh hơn 8 tỉ bảng
Kênh truyền hình BBC 5 đã làm một cuộc thăm dò ý kiến với hơn 1.000 khán giả "ruột" và một nửa số này cho biết đã từng xem ít nhất một trận đấu bóng đá trên mạng thông qua những nhà cung cấp không chính thức. Một phần ba số người được hỏi đã xem với cách thức tương tự mỗi tháng 1 lần, thậm chí nhiều người đã xem đến 5 trận mỗi tuần!
Các trận cầu Ngoại hạng Anh cuốn hút người xem trên toàn thế giới
Nguyên nhân, theo số khán giả này, họ chán ngán với việc các gói truyền hình trả tiền thường chỉ cung cấp chương trình khá nhạt nhẽo. Đáng nói hơn, một phần ba số khán giả này đều không biết việc livestream các trận cầu giải Ngoại hạng là bất hợp pháp trong khi một phần ba khác biết rõ là bất hợp pháp nhưng vẫn xem.
Cách nào xem bóng đá quốc tế
PayTV: Người sử dụng trả tiền thuê bao hàng tháng cho các nhà đài để xem được các chương trình có chất lượng hình ảnh tốt, từ phim ảnh, ca nhạc đến bóng đá.
Sopcast: Phần mềm P2P phổ biến nhất và là cách xem bóng đá "chùa" được các fan Việt Nam ưa chuộng. Tất nhiên, xem bóng đá qua Sopcast mức độ hài lòng không cao khi chất lượng hình ảnh phụ thuộc vào đường truyền và nguồn phát thường thiếu ổn định. Xem Sopcast phải kết nối sớm vài chục phút nhưng tín hiệu có thể dừng lại bất cứ lúc nào không rõ lý do.
Phần mềm di động: Một số đài khuyến khích khán giả xem bóng đá trực tuyến qua điện thoại di động hoặc Ipad. Hình thức tương tự PayTV, tức trả tiền thuê bao hàng tháng hoặc xem trận nào trả tiền trận đó.
Trực tuyến trên web: Cách xem hết sức tiện dụng khi chỉ cần tìm một đường link dẫn tới trang web đang phát trực tiếp trận đấu và… xem miễn phí. "Tiền nào của nấy", chất lượng hình ảnh không cao và người xem phải chịu đựng rất nhiều mẩu quảng cáo.
Xem các đoạn trích: Nhiều trang web, báo điện tử phục vụ nhu cầu người đọc bằng các bài tường thuật, kèm hình ảnh và các đoạn clip tóm tắt trận đấu, bàn thắng… Các clip này thường từ nguồn hợp pháp hoặc từ chia sẻ của người xem trên Twitter hay Facebook.
Bình luận (0)