Trong hiệp 1, Tây Ban Nha cầm bóng hơn gấp đôi so với Morocco (67% so với 33%) nhưng chỉ có 1 pha dứt điểm, lại đi trúng cạnh khung thành của tiền đạo F. Asensio. Cầu thủ khoác áo Real Madrid được chọn đá chính là điều bất ngờ khi tiền đạo A.Morata ghi bàn liên tiếp trong 3 trận vòng bảng lại ngồi ngoài.
Ngược lại, đội bóng Bắc Phi phòng ngự phản công nhưng lại có 2 pha dứt điểm, đáng tiếc là một trong số đó trung vệ Nayef Aguerd lại đánh đầu vọt xà từ khoảng cách 7 m ở phút 42, sau loạt pha vây hãm khung thành Tây Ban Nha.
Nhìn thế trận, người xem có cảm tưởng đang chứng kiến một cuộc đối đầu cấp câu lạc bộ, khi Barcelona đang vây ép một đội bóng do HLV Mourinho dẫn dắt. Cần nhắc lại là HLV trưởng Morocco hiện tại, ông Walid Regragui, rất thích phong cách cầm quân của chiến lược gia Bồ Đào Nha lúc còn ông còn thi đấu cho Racing Santander ở La Liga.
Những phút đầu hiệp 1, có lúc thời gian sở hữu bóng của Tây Ban Nha lên đến 82%. Họ ban bật nhưng thiếu những đường chuyền quyết định hoặc không có cầu thủ đột phá để tạo đột biến nên hiếm khi làm khó đối thủ. Ở hiệp 1 trận thắng Costa Rica 7-0 vòng bảng, Tây Ban Nha lập kỷ lục khi thực hiện 537 đường chuyền thành công. Nhưng đêm 6-12, thầy trò ông Regragui không quan tâm đến những thống kê đó. Cần nhắc lại, ở trận thắng Bỉ 2-0 tại bảng F, Morocco chỉ có 30% thời gian kiểm soát bóng.
Hàng thủ Morocco cản pha xâm nhập vòng 16,50 m của tiền đạo Tây Ban Nha A. Morata (phải) - Ảnh: REUTERS
Sang hiệp 2, Tây Ban Nha chơi nhanh hơn nhưng vẫn không thể xuyên phá hàng thủ đối thủ, kể cả tung vào sân Morata lẫn các cầu thủ trẻ.
Không có phương án phá được thế bế tắc, Tây Ban Nha chấp nhận để đội bóng Bắc Phi đưa trận đấu vào hiệp phụ. Thế trận của 15 phút này không khác gì 2 hiệp chính nhưng chính thầy trò HLV Enrique có một phen hú vía khi tiền đạo vào sân thay người của Morocco là W. Cheddira dứt điểm ngay chân thủ môn Simon ở phút cuối cùng của hiệp phụ đầu tiên.
Tiền đạo đang chơi cho CLB Bari (Ý) cũng có cơ hội uy hiếp khung thành Tây Ban Nha ở giữa hiệp phụ thứ hai nhưng lại xử lý lóng ngóng, tạo cơ hội cho hậu vệ đối phương lấy bóng. Màn trình diễn của Cheddira cho thấy sự thiếu hụt trên hàng công của Morocco, khép lại ngày buồn của các tiền đạo.
Tây Ban Nha lẽ ra đã kết liễu trận đấu ngay phút bù giờ cuối cùng của hiệp phụ nhưng Sarabia lại dứt điểm bật cột ra ngoài.
Ở loạt sút luân lưu 11 m, kịch bản như trận Nhật Bản thua Croatia đêm 5-12 tái lập: Tây Ban Nha sút hỏng 3 lượt đầu tiên. Thủ môn Bono trở thành người hùng đưa Morocco lần đầu tiên vào tứ kết. Đội bóng Bắc Phi cũng trở thành đội tuyển châu Phi thứ 4 đạt cột mốc này.
Còn Tây Ban Nha chỉ biết tự trách mình kém hiệu quả và không phá được cái huông gục ngã khi bước vào loạt sút 11 m. Hai năm trước, họ cũng thua Ý tại bán kết Euro 2020 trong loạt sút cân não.
Bình luận (0)