Giới thể thao người khuyết tật Việt Nam không ai xa lạ với các tên Lê Văn Công, chàng trai vàng của bộ môn cử tạ từng đem về rất nhiều thành tích ở khắp các đấu trường, từ khu vực, châu lục cho đến tầm cỡ thế giới. Nếu như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là người Việt Nam đầu tiên giành được HCV Thế vận hội thì ở lĩnh vực thể thao người khuyết tật, Lê Văn Công chính là cái tên sáng giá nhất khi là người đầu tiên giành được ngôi vô địch World Cup và vài tháng sau, bước thẳng đến bục chiến thắng cao nhất tại Paralympic Rio, diễn ra cùng năm 2016.
Lê Văn Công và khoảnh khắc chiến thắng ở Paralympic 2016
Với một VĐV bình thường, việc phấn đấu khẳng định năng lực bản thân rồi được triệu tập tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu quốc tế là điều hết sức khó khăn, chưa nói đến giành được thứ hạng cao. Mọi thứ còn trở nên phức tạp gấp nhiều lần với các VĐV khuyết tật, khi mà chỉ riêng việc di chuyển của họ cũng đã là cả một vấn đề, huống hồ sự gian nan trong tập luyện và thi đấu không cách nào thể hiện đầy đủ.
Tấm HCV World Cup 2016 của Lê Văn Công
Mẹ bị sốt xuất huyết khi mang thai nên Lê Văn Công ra đời với hai chân bị teo tóp. Khi bắt đầu có những nhận biết đầy đủ về cuộc sống, chàng trai này từng chọn cách trốn biệt trong góc nhà hàng năm trời vì mặc cảm thân thể tàn phế. 20 tuổi, anh mới ý thức được trách nhiệm của bản thân và quyết định rời quê Hà Tĩnh, theo học nghề điện tử tận TP HCM để tìm cách đỡ đần cha mẹ.
Lê Văn Công làm việc tại cơ sở điện tử
Vừa học vừa làm đủ nghề để mưu sinh, Lê Văn Công làm quen với môn cử tạ tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình và gặt hái được nhiều thành công: HCV hạng 49 kg, phá kỷ lục châu Á 2013; giành HCV, phá kỷ lục ASEAN Paragames VII, lập kỷ lục thế giới mới tại Asian Paragames 2014, giành HCV World Cup và giành HCV, phá kỷ lục thế giới tại Paralympic 2016.
Doanh nhân Thiện Nguyễn nhận huy chương từ Giám đốc Trung tâm HLTT quốc gia TP HCM
Căn nhà nhỏ của Lê Văn Công ở ấp 7, xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn, TP HCM) nằm xéo gia đình cô bé Đoàn Thị Bích Hương, một nữ sinh lớp 11 hiền lành, học giỏi. Ba tháng trước, gia đình cô bé phát hiện con gái bị ung thư gan nhưng hoàn cảnh quá khó khăn, không thể xoay nổi tiền bạc để chữa bệnh cho con. Không đành lòng trước cảnh đời éo le của láng giềng trong khi điều kiện gia đình cũng chẳng dư dả, Lê Văn Công quyết định bán đấu giá tấm huy chương vàng giá trị nhất trong sự nghiệp của mình để có tiền phụ giúp gia đình cô bé Bích Hương chạy chữa bệnh.
Lê Văn Công trao toàn bộ tiền cho gia đình Bích Hương
Tấm HCV danh giá thuộc về Lê Văn Công nhưng đấy cũng là niềm tự hào của giới thể thao khuyết tật Việt Nam. Đó chính là kết quả của sự khổ luyện, phải đánh đổi bằng biết bao hạnh phúc riêng tư, những giọt mồ hôi và cả máu trong nhiều năm trời. Tấm huy chương này giờ đây mang thêm ý nghĩa hết sức nhân văn, viết lại một câu chuyện của sự tử tế giữa những người nghèo, của đạo lý "lá lành đùm lá rách" và câu chuyện tình làng nghĩa xóm".
Doanh nhân Tony Trí Nguyễn không thắng đấu giá vẫn quyết định hỗ trợ Bích Hương
Rao bán tấm HCV danh giá trong 10 ngày, cho đến hết ngày 31-10, Lê Văn Công nhận được rất nhiều lời đấu giá, khởi đầu từ mức 20 triệu và sau cùng, người chiến thắng với số tiền đấu giá 125 triệu đồng là doanh nghiệp Thiện Nguyễn ở Q.7, TP HCM. Chứng kiến giao dịch đầy ý nghĩa này sáng 1-11 ngay tại nhà của Lê Văn Công, các ông Võ Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Quốc gia TP HCM, Nguyễn Hồng Phúc, HLV trưởng đội tuyển cử tạ thể thao người khuyết tật Việt Nam không khỏi bồi hồi với cảm xúc dâng trào.
Bình luận (0)