Đấy gần như là khẳng định của chính người đứng đầu UEFA, Chủ tịch Michel Platini, khi trả lời phỏng vấn của một tờ báo Pháp mới đây, ông cho rằng sẽ không có bất kỳ đội bóng nào bị trục xuất khỏi hệ thống các cúp châu Âu mùa tới với lý do vi phạm đạo Luật Công bằng tài chính (FFP) do UEFA ban hành.
Đội bóng quê hương của ông chủ tịch là Paris Saint-Germain khá kín tiếng khi biết mình là một trong số những CLB vi phạm FFP nhưng một “thiếu gia” nước Anh là Man City lại ồn ào tuyên bố, thông qua phát biểu của HLV Manuel Pellegrini: “Tôi không thấy bất cứ sự quan tâm nào của đội bóng về khả năng bị loại khỏi đấu trường châu Âu mùa tới cả, tức là mọi chuyện vẫn bình thường như xưa”.
UEFA và lãnh đạo Man City không bình luận gì về nhận xét của vị HLV người Chile và điều này cũng đồng nghĩa với khả năng FFP bị “vô hiệu hóa” là rất lớn, tất nhiên, theo một hướng khác ôn hòa hơn chứ không “đao to búa lớn”, cấm các đội vi phạm không được tham dự Champions League hoặc Europa League mùa tới.
Manchester City, Paris St.Germain và khoảng 18 “đại gia” khác sẽ phải tự dàn xếp vấn đề của chính mình, tức những khoản lỗ ngân sách khổng lồ do việc phóng tay mua sắm cầu thủ, chi trả lương thưởng cho đội bóng. Nếu hoàn tất, họ sẽ chỉ phải nhận các mức án rất nhẹ, mang tính răn đe từ UEFA.
Man City được cho là đã lỗ đến 45 triệu euro trong hai mùa giải vừa qua. PSG không công khai mức thất thu này nhưng chắc chắn rất lớn và các ông chủ giàu có người Qatar của đội bóng nước Pháp đã và đang nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ. Một trong những kế sách này đã được thực hiện với việc Bộ Du lịch Qatar ký một hợp đồng tài trợ cực lớn cho PSG, khớp thời gian với các khoản chi tiêu phóng tay của đội bóng này hai mùa giải gần nhất.
Michel Platini cho rằng ông thực sự không có niềm tin với các giải pháp tài chính theo kiểu này. “Cách làm của PSG mang tính đặc thù khi tiếp nhận tài trợ từ cơ quan du lịch Qatar nhưng thực chất của vấn đề ra sao, giá trị của bản hợp đồng tin cậy đến đâu, đấy là điều mà tôi sẽ chỉ đạo các chuyên gia làm rõ”, Platini khẳng định.
Trong trường hợp đội bóng không tự giải quyết vấn đề tài chính, cũng không “thương lượng” được với UEFA về hướng tháo gỡ vướng mắc, chắc chắn đội bóng vi phạm sẽ phải đón nhận những án phạt rất nặng. Tuy nhiên, các “sự cố” như thế khó lòng xảy ra khi hậu quả của nó rất dễ hình dung: Thiếu vắng các đội bóng lớn từng mạnh tay mua sắm cầu thủ, các giải đấu của UEFA sẽ chẳng có khán giả đến xem… Thiệt thòi, khi đó, ai sẽ nhận lãnh nếu không phải chính UEFA?
Luật Công bằng tài chính (FFP) của UEFA được áp dụng từ mùa giải 2012-2013. Theo quy định, một CLB ở châu Âu không được để thua lỗ tổng cộng 37 triệu bảng Anh trong hai mùa giải liên tiếp. Nếu vi phạm, đội bóng sẽ bị cấm chuyển nhượng cầu thủ và nặng hơn là cấm thi đấu ở các cúp châu Âu do UEFA tổ chức.
Bình luận (0)