Chẳng một lời phát biểu ồn ào khi tiếp nhận trọng trách thay thế người tiền nhiệm Ole Gunnar Solskjaer bị buộc phải ra đi, Michael Carrick cùng với Man United tỏa sáng ngay trên đất Tây Ban Nha trước chủ nhà Villarreal.
Chiến thắng 2-0 trên sân La Ceramica chưa được xem là "toàn bích" khi Man United còn bị đội chủ nhà nghiền ép đến hơn 70 phút trước khi vùng lên thực hiện 2 cú đấm quyết định cuối trận. Thế nhưng, ý nghĩa tích cực không thể phủ nhận khi "Quỷ đỏ" đã vượt qua vòng bảng Champions League sớm một lượt trận.
HLV tạm quyền Michael Carrick cho siêu sao Ronaldo ngồi dự bị khi Man United gặp Chelsea .Ảnh: REUTERS
Kết quả trên lại khiến người ta ít chú ý đến những đổi thay trong cách bố trí lực lượng và triển khai sơ đồ chiến thuật của Michael Carrick ngay trong cuộc đối đầu với chính Villarreal. Cựu trợ lý của Solskjaer đã mạnh dạn "cất" Bruno Fernandes lên băng ghế dự bị suốt 66 phút trước khi tung tiền vệ kiến thiết này vào sân, làm ngòi nổ cho những đợt tấn công bao gồm cả các pha ghi bàn của Ronaldo và Jadon Sancho.
Trở về sân cỏ Ngoại hạng và đối mặt màn đại chiến "khó nhằn" với đội đầu bảng Chelsea ngay tại London, Michael Carrick mạnh tay hơn khi cho siêu sao Ronaldo ngồi dự bị đồng thời sử dụng lần đầu mô hình 3 tiền vệ. Matic-Fred-McTominay vừa thừa sức lực vừa đủ kinh nghiệm để hóa giải "đôi cánh" Reece James - Marcos Alonso, hạn chế tối đa sức công phá từ hai hành lang của đội chủ nhà.
Trong khi đó, với việc sử dụng Rashford, Sancho và Bruno Fernandes trên hàng công, Man United có trong tay bộ ba giàu năng lượng, sẵn sàng chơi pressing ở cường độ cao và đủ khả năng tăng tốc. Bàn thắng mở tỉ số cho thấy rõ điểm mạnh này khi cả Sancho lẫn Rashford tận dụng sai lầm của Jorginho để thoát đi với tốc độ cực nhanh, loại bỏ toàn bộ đội hình Chelsea lẫn chốt chặn cuối Edouard Mendy.
Căng sức cầm cự trong 50 phút đầu tiên nhưng chỉ cần đòn đánh dữ dội như thế, Man United đã khiến Chelsea choáng váng. Điều này lý giải vì sao nhà đương kim vô địch châu Âu vừa vùi dập Juventus 4-0 ít ngày trước lại không thể vượt qua Man United dù áp đảo hoàn toàn về mọi chỉ số thống kê từ những pha dứt điểm, thời lượng kiểm soát bóng cho đến cả các tình huống đá phạt góc. Giả sử không có pha tung chân thô thiển của Wan-Bissaka dẫn đến quả phạt đền, Chelsea chưa chắc đã giữ lại nổi 1 điểm ở sân nhà.
Chuyên gia Ralf Rangnick chưa đến nhưng khi HLV tạm quyền Carrick mạnh dạn điều chỉnh chiến thuật, Man United đã có được một diện mạo tươi tắn hơn. Hiện thực này phản ánh điều gì, nếu không phải đội bóng này đã phí mất 3 năm cùng gần nửa tỉ bảng mua sắm nhưng thành tích cứ trồi sụt dưới tay ông thầy Solskjaer quá cầu toàn, ngại xông pha và thay đổi?
Không còn nghi ngờ gì nữa, 2 trận tạm quyền của Michael Carrick đã trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử Man United. "Thay tướng, đổi vận", Man United đang đi theo đúng đường hướng của tiến trình phát triển.
Bình luận (0)