icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mì gõ, gõ nên... nhà

Nguyễn Tấn HàiBình Chánh, tháng 9-2003

Người cha lái xe đạp, người con (một chàng sinh viên có vợ hai con) lái Honda, trên tay họ, mỗi người bưng năm tô mì chạy qua những hang cùng ngõ hẻm, chạy qua những con đường đầy những... ổ voi. Nhưng họ dám cam đoan rằng, nếu đổ một giọt nước thì người ăn mì không phải trả tiền. Và họ đang đổi đời từ cái nghề “làm xiếc” ấy.

Trưa nắng chang chang

Đang kẹt xe như nêm giữa ngã tư Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý, tôi tiếp được điện thoại từ Mỹ. Anh bạn nhậu nhà láng giềng đi tu nghiệp bên ấy gọi về than lạnh, rồi nói: “Bây giờ mà có được tô mì gõ thì không có món cao lương mỹ vị nào bằng. Không mì mà có được hai cái thanh tre của thằng Huy gõ chơi, chắc cũng ấm và đỡ... nhớ nhà!”. Nói chuyện kẹt xe day dưa e tốn tiền bạn, tôi hỏi: “Ông gọi về chơi hay có chuyện gì không?”. Trả lời rằng không. Lại hỏi, có nhắn nhe gì cho nhà không? Cũng nói không. “Cha có khùng không vậy?”, tôi kịp dừng được câu hỏi này vì chợt nhớ bây giờ bên Mỹ đang là nửa đêm, bạn tôi đang cô đơn và nhớ... Lại nhớ, mấy năm trước có thằng cháu bên Mỹ về, lặn lội mấy ngày trời trong lùm trong bụi chỉ để ghi âm cái tiếng quốc kêu và cu gáy. Ba nó, ông anh rể tôi, ông già 74 tuổi gốc nông dân, vì không còn đủ sức khỏe về thăm quê mới có cái nguyện vọng kỳ cục nọ. Bây giờ lại là tiếng mì gõ với anh bạn chính cống dân chợ. Té ra, tiếng gõ lóc cóc của đứa bé bán mì trên đường phố Sài Gòn, giờ đây với anh bạn tôi, nó đã trở thành tiếng... quê hương!

Bài toán cho đời sau

Thằng Huy mà anh bạn tôi vừa nhắc là con trai đầu lòng trong số năm đứa con, hai trai, ba gái, của anh Chín Mì Gõ. Một lần ngồi uống cà phê, tôi có hỏi tên họ thật, nhưng anh Chín chỉ cười, cầm muỗng gõ lắc cắc vào ly nước đá. Anh Chín Mì Gõ quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi vào sinh sống ở TPHCM này đã được năm năm. Cũng bằng chừng ấy năm anh “thâm niên” nghề mì gõ. 45 năm trước đó của cuộc đời, chưa một ngày anh sống ở đất Sài Gòn này.

Cũng như bất cứ người làm cha làm mẹ nào, chuyện suy tính cho tương lai của con cái được bắt đầu từ khi đứa con còn chưa chào đời. Nhưng với vợ chồng anh Chín Mì Gõ, có những năm dài, khi lần lượt năm đứa con chào đời, mối ưu tư ấy được cụ thể trong chuyện làm sao thu vén để hàng ngày các con có đủ cơm ăn, đủ áo lành, đủ tập vở đến trường và mỗi năm mỗi đứa học lên được một lớp. Quê anh là vùng thuần nông. Nguồn sống của bảy nhân khẩu gia đình anh chỉ dựa vào 1,2 mẫu ruộng nhận khoán của hợp tác xã. Con cái lớn lên, học cấp một trường cách nhà hơn cây số, cấp hai là 3 cây và cấp ba là 7 cây. Trường cấp ba trên thị xã thì học tốt hơn, cũng chỉ cách 20 cây, nhưng đó là chuyện con nhà anh không dám mơ ước đến. Nhưng đến năm thằng Huy học lên đến lớp 11, khi tóc trên đầu mình bắt đầu có những sợi bạc, anh Chín lại đứng trước bài toán cuộc đời chưa có đáp số. Vốn sinh ra trong một gia đình đông đến mười anh em, nên anh Chín phải bỏ dở việc học ở năm lớp 8. Ý thức được sự thiệt thòi này của đời mình, nên anh chị dốc lòng cho các con ăn học. Nhưng bây giờ, giả sử năm sau thằng Huy đậu được vào đại học, thì anh chị sẽ lo nuôi nó bằng con đường nào? Tính toán chi li nhất để nuôi một đứa con học đại học ở Sài Gòn, mỗi năm dè sẻn gì cũng phải có 8 triệu đồng. Với thu nhập gia đình từ ruộng, anh chị không thể có được. Mà việc cho con được học lên đại học, trong nguyện vọng của anh chị, không chỉ có một thằng Huy. Còn nếu không có con đường nào khác, có nghĩa là năm đứa con lại tiếp tục sống cuộc đời nông dân như anh chị, cũng không thể sống được như anh chị, vì đất đai dành cho chúng không còn được bao nhiêu. Rồi đời sau nữa, là các cháu của anh chị, thì sẽ như thế nào? Câu hỏi như một tảng đá nặng. Thế là anh Chín xoay xở vốn liếng đi nuôi vịt. Dang nắng, dầm sương theo vịt lang thang đồng này qua đồng khác, lứa vịt đầu tiên sởn sơ được một lúc thì lăn ra chết hàng loạt, khiến anh Chín cụt vốn gần một cây vàng. Và cũng cụt luôn cả niềm ước mơ cho con vào đại học.

Tóc anh Chín bắt đầu bạc nhanh.

Đến đây thì người đàn bà, người mẹ cả đời quanh quẩn nơi góc bếp, quyết định bước ra. Chị Chín xung phong vào Sài Gòn theo sự dẫn đường của một đứa cháu, quyết tâm tìm việc gì đó làm thuê làm mướn, để năm sau, nếu thằng Huy có đậu được mà vào Sài Gòn học, thì hai mẹ con sẽ tìm cách nuôi nhau. Anh Chín tạm thời quán xuyến chuyện ruộng nương, nhà cửa, con cái, sau đó tùy cơ mà ứng biến.

Một người đàn bà nông dân bơ vơ giữa đất Sài Gòn, không nghề nghiệp, không quen biết, không rành cả đường sá đi lại, thật không dễ tìm một việc làm, dù là làm phụ hồ. Sau những ngày lang thang tìm việc mà không thành, chị Chín dốc hết những đồng bạc ít ỏi phòng thân mua xoong, lò, chén, đũa tạo một gánh cháo huyết ra ngồi bán ở lề đường, gần khu hội chợ Quang Trung. Cả đời chưa hề biết buôn bán là gì. Nhưng với quyết tâm sống không chỉ cho mình, với sự tằn tiện chi tiêu của người đàn bà lớn lên từ vùng đất cằn sỏi đá và sự chân chất thật thà, đã giúp chị dần trụ chân được ở cái thành phố phồn hoa đô hội này. Thường, hàng đêm chị bán đến tận khuya, vì bản tính tham công tiếc việc luôn hy vọng có người khách sau cùng, nhưng cũng để đỡ phải đối diện cùng đêm đen mênh mông của căn gác trọ chật hẹp với nỗi nhớ quay quắt đứa con trai út chưa tròn tám tuổi mà chị rứt ruột để lại ngoài quê.

Gánh cháo huyết bắt đầu giúp chị Chín có được tích lũy, dù thật là nhỏ bé. Và khi cái phần tích lũy ấy cộm ấm lên trong túi, thì cũng lóe lên trước mắt chị một niềm hy vọng mới: Chị thấy mấy đứa cháu mình với chiếc xe mì gõ đã dần khá lên. Thế là chỉ sau một năm đơn thương độc mã chống chọi ở đất Sài Gòn, chị Chín quay trở về quê bàn với chồng giao bớt một nửa ruộng cho bà con, chỉ chừa lại một nửa đủ để các con tự quản canh tác cho có đủ lúa ăn, giao thằng Huy vừa lo học vừa bảo bọc chỉ huy em út. Lần này trở lại Sài Gòn chị đã có thêm anh và mục tiêu là chiếc xe mì gõ.

Đường mì

Không có con đường nào của đất Sài Gòn có cái tên như vậy. Nhưng trong giới bán mì gõ, thì những con-đường-mì được phân chia rất rạch ròi. Giá trị trọn gói của một chiếc xe mì gõ chỉ vào khoảng 1 triệu đồng, nhưng vợ chồng anh Chín đã sang lại chiếc xe mì với giá... 1 cây vàng. Nói theo các nhà kinh doanh, thì đây là việc “mua lại thị phần”. Con-đường-mì mà vợ chồng anh Chín mua lại nằm trên Hương lộ 13, là đường Lê Trọng Tấn bây giờ, chỉ giới hạn từ đường Tân Kỳ Tân Quý ngược ra hướng Gò Mây, qua khỏi chợ Hương lộ 13 một đỗi. Buổi sáng, xe mì của chị Chín “tạm cư” trước Trường Trung học Công nghiệp Thực phẩm; buổi tối thì “dời đô” ra ngã ba Tân Kỳ Tân Quý. Chị Chín trong vai kỹ thuật chế biến. Anh Chín là nhân viên tiếp thị, lóc cóc luồn sâu vào tận các hang cùng ngõ hẻm, lúc đầu thì trên hai chân, sau đó không lâu là trên hai bánh xe đạp. Con-đường-mì này suốt nhiều năm qua và cho đến bây giờ luôn trong tình trạng tróc lở, đầy những ổ... voi tù đọng, cũng vì thế mà “tay nghề” anh Chín tiến bộ vượt bậc. Một tay cầm lái xe đạp, tay kia là một mâm với 5 tô mì, cứ thế mà bon, mà lách, nhưng anh dám cá, nếu có giọt nước sánh ra mâm, anh sẽ không lấy tiền. Nhưng chỉ trên xe đạp thôi, xe Honda thì anh chịu thua, không sánh được với thằng Huy, vì nó... thuận tay trái.

Dân sành ăn mì gõ không chỉ ghiền... tiếng gõ, mà còn vì cái hương, cái vị riêng của từng xe mì. Đây là một bí quyết. Bí quyết thì ít ai nói ra, anh Chín cũng thế. Nhưng anh cũng có vài “bật mí”. Người ăn mì gõ thường là giới bình dân đã đành, nhưng đừng tưởng đó là những người dễ tính, không sành ăn. Cái ngon chính yếu của mì gõ nằm trong nồi nước lèo. Nhưng nó cũng nằm trong hương vị riêng của bánh hủ tiếu và mì. Buổi sáng, người ta cần ăn nhẹ, bánh phải mềm hơn, hương vị nhẹ nhàng hơn, “thoảng qua” hơn, lượng cũng “mỏng” hơn. Buổi tối, càng về khuya, tô mì càng phải đầy đặn, sợi bánh phải dai, hương vị phải đậm. Nhưng bí quyết căn bản nhất là chất lượng, giá cả phải luôn không thay đổi. Cho dù hôm đó giá thịt có lên, cho dù tô mì trong đêm mưa gió, vẫn không được khác cái tô hôm trước mà người ta đã ăn, dù gọi gần hay gọi xa, phải “canh” cho đúng cả cái độ nóng vốn có của nó.

Sở hữu con-đường-mì này được một năm, anh chị Chín giao lại cho một người cháu vì “nó mới chân ướt chân ráo từ quê vào”. Anh chị chuyển sang con-đường-mì mới, khu vực tổ 62, ấp 3, xã Bình Hưng Hòa, từ đó đến nay “định cư” hẳn ở đây. Bây giờ đã thành danh ông Chín Mì Gõ, vẫn tiếp tục bán mì, nhưng anh Chín hầu như không còn gõ nữa, vì dân khu vực này không ai là không biết mặt anh, và anh cũng biết rành hết “khách hàng” của mình, ai cần gọi anh vào đúng giờ nào, cứ thế anh chỉ việc lạng xe qua là người ta “ới”. Kể cả ai đó đi chơi lễ tết hay công tác xa nhiều ngày anh cũng biết luôn. Chỉ có thằng Huy thì thỉnh thoảng vẫn gõ cho vui, khiến anh bạn tôi đi xa phải nhớ.

Ở nhà trọ mất 3 năm thì anh chị Chín dành dụm tiền mua được căn nhà, cũng nhỏ thôi, chỉ 32 m2 với giá 28 cây vàng. Nhưng với anh chị, nó là niềm hy vọng tràn trề cho tương lai học hành của 5 đứa con. Anh Chín vẫn nói vui, đó là tiền mà anh đã xin của bà con quanh đây mỗi người một ít. “Chiến lược” của anh chị rất rõ ràng: Giai đoạn phổ thông, tất cả các con đều phải học ngoài quê, vì đem vô thành phố không có hộ khẩu thì không thể vào trường công lập, học trường dân lập thì phí tổn chưa thể lo nổi, hơn nữa chúng cũng phải biết lo toan và lao động cực nhọc (làm ruộng ở quê) phụ giúp cha mẹ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, nếu không đậu đại học thì sẽ được “đặc cách” vào đây vừa phụ bán mì vừa ôn thi, khi nào đậu thì thôi. Con-đường-mì của Chín Mì Gõ bây giờ tương đối ổn định, trung bình tiêu thụ cỡ 8 kg mì/ngày, tính chính xác tương đương với 98 tô.

Chàng sinh viên... hai con.

Lại nói về anh chàng Huy, bây giờ không thể gọi là “thằng Huy” được nữa. Sau một năm anh chị Chín vào Sài Gòn thì Huy tốt nghiệp tú tài. Huy giao nhà, ruộng và đàn em cho đứa em gái kế mình. Năm đó Huy thi rớt đại học, nhưng lại đậu vào một trường trung học kỹ thuật. Cha con anh Chín quyết định không vào trung cấp, sẽ tiếp tục ôn thi đại học. Trong những ngày hè, Huy về quê để giúp các em. Sau khi Huy trở vào Sài Gòn để ôn thi tiếp, không lâu ngoài quê bắn tin vào là có một cô bạn học của Huy thuở cấp ba muốn... “bắt đền”. Anh Chín kêu con lại hỏi xem cô bạn học đó là ai? Thì hóa ra đó là con gái cưng của một người bạn anh. Thế là anh chàng tú tài chưa đậu đại học đành phải khăn áo sính lễ về quê làm đủ các thủ tục cưới xin rồi rước vợ vào Sài Gòn phụ cha mẹ bán mì gõ. Lại thêm một năm nữa chàng tú tài thi hỏng đại học, mặc dù vẫn đậu vào một trường cao đẳng kinh tế, nhưng vẫn xin cha mẹ không học để tiếp tục thi. Huy quyết tâm vào đại học ngành xây dựng, vì cậu đã nhìn thấy triển vọng của ngành học này khi quan sát những vùng đất bao quanh thành phố với mật độ xây dựng chóng mặt của nó. Bây giờ thì anh chàng Huy một vợ hai con đã là sinh viên năm thứ 2, khoa xây dựng của Trường Đại học Văn Lang. Ban ngày bận rộn ở giảng đường, nhưng đêm đêm Huy vẫn một tay lái Honda, một tay đỡ mâm mì 5 tô “làm xiếc” trên con-đường-mì của cha mình.

Cô em gái kế Huy năm rồi đã lấy bằng tú tài nhưng hai mùa thi liên tiếp lại rơi vào hoàn cảnh xui xẻo như của anh mình: Đậu trung học mà lại rớt đại học. Anh chị Chín vẫn tiếp tục ủng hộ quyết tâm của con là thi vào Trường Đại học Sư phạm. Cô gái này theo đuổi nguyện vọng làm cô giáo vì với nghề ấy, cô sẽ có cơ hội được về sống lâu dài ở mảnh đất quê hương, giúp đỡ cho sự hiếu học của thế hệ sau mình. Bởi vì con đường của các em cô, một cô đang học lớp 11, một cô đang học lớp 9, và đứa em trai út đang học lớp 7, đã hiện ra rõ lắm: Rồi chúng sẽ vào đây ở căn nhà do chính tay cha mẹ mình gõ mì mà nên. Và từ đó chúng sẽ còn đi xa nữa...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo