Sáng 13-8, hình ảnh kình ngư 21 tuổi người Singapore Joseph Schooling đứng trên bục nhận HCV 100 m bơi bướm, bên cạnh là 3 người đàn anh cùng nhận HCB là Chad Le Clos (Nam Phi), Laszlo (Hungary) và đặc biệt là huyền thoại Olympic Michael Phelps đã thực sự gây xúc động mạnh. Từ một “thần đồng bơi lội”, cái tên Schooling vụt sáng trở thành thần tượng khắp thế giới khi đánh bại Phelps trong ngày mà kình ngư huyền thoại người Mỹ tuyên bố sẽ giải nghệ sau Olympic Rio 2016.
The Straits Times, tờ báo Singapore tự hào đã theo sát Schooling ngay từ những ngày kình ngư trẻ này chọn sang Mỹ theo đuổi sự nghiệp bơi lội, đã dành toàn bộ trang nhất để nói về biểu tượng mới của thể thao châu Á, niềm tự hào lịch sử của người Singapore: “Phelps chính là tấm gương để Schooling theo đuổi và thành công. Nếu ở lại Singapore, sự nghiệp của Schooling có lẽ chỉ gói gọn trong Đông Nam Á. Anh đã chọn sang Mỹ, sau khi thấy thần tượng của mình viết trang lịch sử chói lọi ở Olympic 2008. Singapore sẽ phải cám ơn sự lựa chọn mang tính bước ngoặt của Schooling và gia đình anh”.
Theo The Straits Times, để có được ngày vượt qua Phelps, gia đình Schooling đã làm tất cả, với sự ủng hộ tuyệt đối của ngành thể thao Singapore. Cha Schooling đã liên hệ với HLV Sergio Lopez, người từng đoạt HCĐ bơi ếch cho Tây Ban Nha ở Olympic 1988. Ông Lopez đã đưa Schooling sang Florida, theo học trường trung học Bolles và trực tiếp nâng cao thể trạng của kình ngư người Singapore đến năm 18 tuổi. Tiếp đó, Schooling lấy học bổng của Đại học Texas và được đào tạo bởi HLV cực giỏi Eddie Reese, HLV trưởng đội tuyển Mỹ ở Olympic Bắc Kinh 2008.
Ở quê nhà, thông qua gia đình Schooling, Ủy ban Olympic Singapore lên kế hoạch thi đấu chi tiết cho kình ngư mà họ đánh giá là “Tài năng đặc biệt, chỉ có một lần trong đời, nhất là ở một quốc gia nhỏ như Singapore”. Năm 2013, đích thân người đứng đầu ngành thể thao Singapore Richard Gordon đã gặp Bộ Quốc phòng để xin phép miễn nghĩa vụ quân sự cho Schooling. Còn trong ngày tài năng này đấu với Phelps, đích thân Tổng thống Singapore Tony Tan đã bay đến Rio để trực tiếp cổ vũ cho kình ngư 21 tuổi. Chứng kiến Schooling trở thành người đầu tiên trong lịch sử Olympic chạm được mốc 50 giây ở nội dung 100 m bơi bướm, tổng thống Singapore tự hào: “Đó là khoảnh khắc lịch sử cho thể thao Singapore”.
Chỉ trong 3 giờ, mạng xã hội Twitter có hơn 380.000 lượt đăng tải sự kiện Schooling chiến thắng Phelps, chẳng những thế còn phá kỷ lục Olympic 100 m bướm với chiến tích 50 giây 39. Tờ Telegraph (Anh) ví von chiến thắng của kình ngư trẻ người Singapore như một cú sốc, có tác động mạnh khắp thế giới tương tự vụ “Ám sát tổng thống Mỹ Kenedy” nhưng giờ là “Kenedy phiên bản Singapore”. Riêng tấm ảnh Joseph Schooling lúc 13 tuổi được vinh dự chụp chung với Michael Phelps khi cả hai gặp nhau ở Singapore trước Olympic 2008, cũng được lan truyền khắp thế giới với bình luận: “Tám năm sau tấm ảnh này, một cuộc đổi ngôi lịch sử đã diễn ra”.
Phelps cũng thán phục
“Không ai vui khi thua cuộc cả, nhưng tôi ngả mũ trước Joseph. 8 năm trước, tôi gặp và khuyên cậu ta hãy sang Mỹ. Năm 2012, gặp lại nhau ở London, tôi thấy Schooling đi sau lưng, rất thất vọng vì kết quả không tốt ở 200 m bướm. Cậu ấy hỏi tôi: “Em đã sai ở đâu?”. Tôi ôm cậu ấy và nói: “Em không sai, em chỉ quá trẻ và cần thêm kinh nghiệm. Khi bơi cần nâng cao đầu hơn”. Giờ cậu ấy đã đánh bại tôi và là người chạm mốc 50 giây. Tôi sẽ giải nghệ sau Olympic nhưng sẽ dành sự quan tâm đặc biệt đến Joseph” - chủ sở hữu 22 HCV Olympic M.Phelps nói rất nhiều về người vừa đánh bại anh.
Tiến Minh chờ kỳ tích
Thắng David Obernosterer của Áo 21-18, 21-14 ở trận đấu thứ hai bảng E sáng 13-8, tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh sẽ tranh suất vào tứ kết với đương kim vô địch Lin Dan lúc 19 giờ 40 phút ngày 14-8. Trong 6 lần gặp nhau, Tiến Minh toàn thua nhưng tay vợt Việt Nam vẫn tự tin sẽ chơi một trận sòng phẳng cùng VĐV cầu lông giàu thành tích nhất Olympic.
Tính đến hết ngày thi đấu thứ 7, đoàn Việt Nam đồng xếp hạng 26 với 1 HCV, 1 HCB.
Bình luận (0)