Đó là một vòng xoáy luẩn quẩn nơi những vòi bạch tuộc quấn chặt, không cho cầu thủ thoát ra. Các cầu thủ cũng từ đó dẫn dắt nhau đi vào con đường phạm pháp một cách nhanh đến chóng mặt. Đội bóng không hề hay biết, gia đình, người thân cũng hoàn toàn tin tưởng bởi họ vẫn là những con người mẫu mực ngoài cuộc sống.
Không dễ thoát vòng vây
Ở CLB V.Ninh Bình trước đây có những bí mật khủng khiếp sau mỗi trận đấu mà chỉ một nhóm cầu thủ được biết. Phần còn lại của đội bóng không bao giờ được phép thò chân, “nhúng mũi” vào câu chuyện của những đồng đội đã dàn xếp trước tỉ số dù họ có lờ mờ nhận ra. Thế nên mới có chuyện cầu thủ nhận được tiền chia thưởng vì hoàn thành xuất sắc “vở kịch” nhưng không hề biết ai đứng đằng sau đạo diễn tất cả vụ việc. Nói đúng hơn, họ chỉ là những diễn viên quần chúng.
Lê Quang Hùng, cầu thủ liên quan và được chia tiền trong vụ bán độ ở trận gặp Kelanta tại AFC Cup của V.Ninh Bình, cho đến tận bây giờ vẫn tự trách bản thân vì đã cầm tiền bẩn và đi đêm với tiêu cực. Nhiều cầu thủ V.Ninh Bình sau này mới vỡ lẽ ra rằng để bán độ thành công, cần một nhóm cầu thủ vừa đủ, không quá nhiều nhưng cũng không quá ít để bảo đảm thắng kèo. Cầu thủ tham gia bán độ thường chia làm 2 cấp, cấp làm độ, tức là trực tiếp, tham gia sâu vào đường dây ra kèo và nhận kèo. Cấp độ còn lại chỉ biết và vừa đá vừa diễn để có tiền.
Trong một đội bóng chỉ cần có một cá nhân chủ trò là các cầu thủ rất khó thoát khỏi vòng vây của những vòi bạch tuộc. Trước đây, ở V.Ninh Bình, cầu thủ Vũ Như Thành là người nổi tiếng vì có nhiều mối quan hệ xã hội. HLV Văn Sỹ kể rằng từng có chuyện dân xã hội đen đến tận CLB đòi nợ Như Thành và cầu thủ này đã phải nhận án phạt của CLB. Ông Sỹ nói: “Bên trong các cầu thủ làm hư nhau, còn bên ngoài sự rủ rê, lôi kéo đến từ mọi phía thì một cầu thủ trẻ, non bản lĩnh rất khó cưỡng được cám dỗ”.
Phải nhìn vào sự thật phũ phàng
Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp VPF, ông Phạm Ngọc Viễn, từng đứng ở cương vị quản lý nền bóng đá khi là tổng thư ký rồi đến phó chủ tịch và giờ là “nhạc trưởng” của các giải chuyên nghiệp, nêu ra quan điểm: “Điều chúng ta sợ nhất trong các trận đấu ở cả giải vô địch quốc gia lẫn đội tuyển quốc gia không phải là sự yếu kém mà là sự lừa dối, nghi ngờ lúc nào cũng đeo đẳng”.
Những trận cầu giả ở V-League có lúc phổ biến và từ đó nó lây lan sang cấp độ đội tuyển, đỉnh điểm là vụ bán độ ở SEA Games 23 năm 2005. Ông Viễn thẳng thắn đưa ra quan điểm: “Nếu không có tiêu cực, bán độ có lẽ bóng đá Việt Nam đã vô địch Đông Nam Á sớm 10 năm chứ không phải đợi đến năm 2008”.
Khi một người am hiểu khá tường tận nhiều góc tối của V-League nói ra điều ấy thì ai cũng hiểu rằng bán độ ở Việt Nam có lẽ đã tồn tại từ vài thập kỷ nay chứ không phải bây giờ mới bùng phát. Tuy vậy, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn lại cho rằng: “Môi trường bóng đá Việt Nam không xấu, vấn đề hiện nay là nhận thức của cầu thủ quá thấp kém và đơn giản nên họ dễ dàng hủy hoại sự nghiệp bản thân và làm hoen ố danh dự của giải đấu”.
VFF khẳng định quyết tâm truy quét tiêu cực đến cùng và sẽ không dừng lại nhưng nếu muốn cuộc tổng tấn công nạn bán độ phát huy hiệu quả thực chất thì có lẽ cần phải nhìn vào một sự thật phũ phàng là môi trường bóng đá Việt đang rất xấu chứ không thể chỉ đổ dồn tội vạ lên đầu cầu thủ là xong!
Bình luận (0)