Trong làng thể thao Việt Nam, cờ có lẽ là môn duy nhất không bị ràng buộc bởi quy định về cơ quan chủ quản hay các vấn đề chuyển nhượng, nhất là ở môn cờ tướng. Một nữ kỳ thủ có tiếng vừa chia tay Hà Nội không lâu để đầu quân cho Bình Dương, năm nay đã thấy khoác áo Bà Rịa - Vũng Tàu. Một nam kỳ thủ khác chỉ trong vòng 12 tháng đại diện cho 3 đơn vị khác nhau, đầu năm ngoái còn thi đấu cho Hà Nội, cuối mùa trở thành người của Cần Thơ và năm nay gia nhập Bình Dương…
Đấy mới chỉ là 2 trường hợp cụ thể trong vô số vụ chuyển nhượng âm thầm của làng cờ tướng mà dư luận lâu nay đã xầm xì về cuộc tập trung các hảo thủ về một địa phương, không ngoài lý do để HLV của đội được triệu tập lên tuyển quốc gia. Cũng khó để khiến vấn đề này được đặt lên bàn những nhà quản lý, kể cả khi năm 2018 diễn ra Đại hội TDTT toàn quốc. Cờ tướng là một trong những môn thể thao xuất hiện hàng thế kỷ ở Việt Nam, lôi cuốn biết bao thế hệ người hâm mộ và phát triển rộng khắp trên cả nước. Sức hút cũng đến từ những kỳ thủ Việt lên ngôi vô địch châu Á hoặc chen chân vào tốp 3 thế giới nhiều năm liên tiếp, nhiều lần qua mặt chính các hảo thủ đến từ Trung Quốc, quê hương của cờ tướng. Thế nhưng theo đánh giá của Tổng cục TDTT, cờ tướng chỉ ở nhóm 2 (vắng mặt ở SEA Games, Asiad hay Olympic) nên không thể tổ chức thi đấu ở… Đại hội TDTT toàn quốc (!?).
Nhà vô địch quốc gia 2018 Lại Lý HuynhẢnh: Đông Linh
Giới chuyên môn cho rằng đây có thể là cột mốc đánh dấu… bước lùi của cờ tướng Việt, từng khiến thế giới phải ngán ngại đến mức phải quy định rõ nhiều giải đấu không được phép có mặt của kỳ thủ quốc tịch Việt Nam hoặc Trung Quốc (phi Hoa - Việt duệ). Nhiều mùa giải, cung cách quản lý cờ tướng được cho là "có vấn đề", dung dưỡng cho mầm mống tiêu cực có cơ hội phát tác đến độ khó chữa. Thể thức thi đấu Giải Vô địch toàn quốc thay đổi xoành xoạch, mùa đánh 9 ván, mùa thì 11 ván nhưng không loại trừ việc đồng đội gặp nhau, dễ dàng "nhường, cho" điểm để tranh ngôi vô địch.
Ở giải đấu vừa kết thúc tại Vũng Tàu, kỳ thủ kháo nhau việc chỉ phải thi đấu 9 ván chính là để… tiết kiệm kinh phí và thời gian tổ chức khi mà không một đơn vị tài trợ nào đoái hoài đến sự kiện hàng đầu này.
Trên tất cả, là sự bất ổn từ cấp lãnh đạo thượng tầng của bộ môn. Cờ tướng cạy cục xin tách khỏi cờ vua, cờ vây để được hoạt động độc lập. Tuy nhiên, kể từ khi Ban Vận động thành lập Liên đoàn Cờ tướng họp kỳ đầu tiên vào tháng 5-2017, đến nay vẫn chưa ai biết khi nào Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam sẽ ra đời. Tổ chức chính thống chưa có nhưng các chức sắc tự xưng đã xuất hiện ở nước ngoài, cử cả người tham gia Ban Chấp hành Liên đoàn Cờ tướng châu Á cho đến việc tùy tiện nhận đăng cai tổ chức Giải trẻ châu Á 2018 khi chưa được sự cho phép của các cấp, bộ ngành có thẩm quyền.
Bình luận (0)