icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Năm 2004: Thay đổi tích cực về chính sách tiền lương

Nguyễn Hoàng Thái An

Giữ nguyên mức lương tối thiểu 290.000 đồng/ người/ tháng. Từ tháng 10-2004, trả lương theo hệ thống thang, bảng lương mới

Ban Chỉ đạo Cải cách tiền lương vừa họp triển khai Đề án Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp ưu đãi người có công. Đề án đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Tiền lương tiền công (Bộ LĐ-TB-XH), đánh giá: Thành công lớn của đề án là tách rõ lương khu vực hành chính và sự nghiệp, chuyển từ chế độ biên chế sang chế độ hợp đồng lao động.

Tốt nghiệp ĐH: Lương khởi điểm 678.600 đồng/tháng.- Ông Phạm Minh Huân cho biết năm 2004, lương tối thiểu vẫn giữ nguyên ở mức 290.000 đồng/người/tháng như hiện nay. Ban Chỉ đạo Cải cách tiền lương Trung ương đang chuẩn bị hệ thống thang, bảng lương mới, dự kiến sẽ áp dụng từ tháng 10-2004 tới. Từ tháng 10-2004, Chính phủ áp dụng 6 hệ thống thang, bảng lương mới, mở rộng quan hệ bội số tiền lương, từ 1-1,9-8,5 lên 1-2,34-10.

Mặc dù đây không phải là bước cải cách lớn nhưng có tác động đặc biệt quan trọng tới thu nhập của người làm công ăn lương. Áp dụng 6 hệ thống thang, bảng lương nói trên, đồng nghĩa với việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Nghĩa là, trước thời điểm tháng 10, lương khởi điểm của một người vừa tốt nghiệp ĐH trung bình khoảng 1,9 thì kể từ tháng 10 tới, mức khởi điểm sẽ là 2,34 (tăng 31,5%); tương đương với 678.600 đồng/tháng.

700 tỉ đồng để thu hẹp chênh lệch bất hợp lý về lương hưu.- Trước 1-1-2004, lương hưu bình quân của công nhân viên chức về hưu trước 9-1985 là 533.000 đồng/tháng, từ tháng 9-1985 đến trước 4-1993 là 548.400 đồng/tháng. Lương hưu của người nghỉ hưu từ tháng 4-1993 về sau là 548.000 đồng/tháng, cao hơn 2 thời điểm trước 25% và 22%. Đối với lực lượng vũ trang, người nghỉ hưu trước 9-1985 là 955.100 đồng/tháng, người nghỉ hưu từ 9-1985 đến trước 4-1993 là 1.097.000 đồng/tháng. Lương hưu của người nghỉ hưu bình quân từ 4-1993 về sau là 1,22 triệu đồng/tháng, cao hơn hai thời điểm trước 28% và 11%. Như vậy, mức chênh lệch lương hưu bình quân tại 3 thời điểm trên tuy đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn sự chênh lệch, đòi hỏi cần được điều chỉnh để khắc phục sự chênh lệch.

Cuối tháng 1-2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký ban hành nghị định điều chỉnh mức lương hưu của người nghỉ hưu trước tháng 9-1985 và tháng 4-1993. Bình quân, mỗi người nghỉ hưu được tăng thêm 7% lương hưu. Ngân sách Nhà nước (NSNN) đã dành gần 700 tỉ đồng để điều chỉnh cho hơn 1 triệu đối tượng này. Sau đợt điều chỉnh này, giữa người nghỉ hưu trước và sau tháng 4-1993 còn chênh lệch từ 2%-9%. Ông Phạm Minh Huân giải thích, đây là bước đầu tiên trong lộ trình điều chỉnh lương hưu, thu hẹp chênh lệch bất hợp lý về lương hưu trong năm 2004.

Dự kiến, từ 1-10-2004, tiếp tục điều chỉnh lương hưu của người nghỉ hưu trước tháng 4-1993, kết hợp điều chỉnh lương hưu của người nghỉ hưu trước tháng 10-2004. Đối với người nghỉ hưu là công nhân viên chức: Tăng thêm 9% đối với người nghỉ hưu trước tháng 4-1993. Người nghỉ hưu trước tháng 9-1985 thuộc lực lượng vũ trang tăng thêm 9%, nghỉ hưu từ tháng 9-1985 đến trước 4-1993 tăng thêm 2%. Tổng kinh phí tăng thêm là 175 tỉ đồng. Người nghỉ hưu và trợ cấp mất sức lao động trước ngày 1-10-2004, vào thời điểm 1-10 từ năm 2004-2009, mỗi năm tăng không quá 6%.

Ngoài ra, cũng sẽ điều chính mức trợ cấp đối với người có công. Quỹ trợ cấp người có công sẽ tăng mạnh, thêm 56,5% so với hiện nay, để bảo đảm cho người có công đạt mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của xã hội.

Chưa đưa tiền nhà ở vào lương.- Việc tiền tệ hóa tiền lương đang từng bước được thực hiện. Năm 2001, Chính phủ đã có quyết định quy định tiêu chuẩn định mức sử dụng điện thoại công vụ tại nhà và điện thoại di động đối với cán bộ lãnh đạo, quy định phụ cấp phục vụ. Hiện nay, còn 2 vướng mắc, chưa đưa được vào lương: phương tiện đi lại và nhà ở.

Khi xây dựng đề án, có ý kiến phải tính toán mức lương hợp lý để sau 10-15 năm làm việc, cán bộ, công chức có thể mua được nhà. Một quan chức Bộ Nội vụ, cơ quan chủ trì xây dựng đề án tiền lương giải thích, thực ra, hiện nay trong lương đã tính tới kết cấu tiền nhà nhưng do lương tối thiểu quá thấp nên mới chỉ đầy đủ về mặt số lượng mà chưa bảo đảm nhu cầu thực tế. Ở các nước phát triển, chi phí cho nhà ở chiếm 35% - 40% lương. Ở VN, tỉ lệ tiền nhà trong lương tối thiểu là 7,5%, tương đương với 21.750 đồng và trong lương trung bình là 41.325 đồng/tháng so với nhu cầu tiền thuê nhà khoảng 80.000 đồng/tháng. Sau này, lương tối thiểu tăng lên thì cơ cấu về tiền nhà cũng đầy đủ dần.

Giảm bậc lương treo, thu gọn chế độ phụ cấp.- Từ năm 1993, việc cải cách tiền lương đã thực hiện được một bước quan trọng là tách lương doanh nghiệp ra khỏi khu vực hành chính. Năm 1995 tách được BHXH ra khỏi chính sách tiền lương. Năm 2000 tiếp tục tách được người có công ra khỏi đối tượng hưởng lương. Năm 2004, sẽ tách rõ làm 2 hệ thống lương lớn: lương công chức hành chính và lương sự nghiệp. Việc tách rõ để mỗi khu vực có một cơ chế trả lương thích hợp, trong đó chủ yếu là khu vực sự nghiệp sẽ được quyền chủ động trong việc sử dụng lao động (chuyển từ biên chế sang hợp đồng lao động), chủ động trong tạo nguồn thu-chi, trả lương. Ông Phạm Minh Huân nhấn mạnh: Lần cải cách tiền lương này thành công hay không phụ thuộc chính vào các đơn vị sự nghiệp.

Thay đổi: Dù đây không phải là bước cải cách lớn về tiền lương, nhưng đợt thay đổi này có ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người làm công ăn lương. Với việc áp dụng 6 hệ thống thang, bảng lương mới, đồng nghĩa với việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức.

Về mặt bội số, số bậc của 2 hệ thống vẫn giống nhau nhưng được phân tách rõ, theo xu hướng đơn giản hóa, thu gọn số bảng lương từ 20 bảng xuống còn 1-2 bảng; số bậc cũng được thu ngắn lại, hạn kế nhiều bậc “treo”. Tuy nhiên, rút ngắn lại thì cũng đồng thời đẻ ra nhiều phụ cấp, như phụ cấp thâm niên vượt khung. Lực lượng vũ trang thì vẫn giữ phụ cấp ưu đãi 1,8 lần so với khu vực hành chính, còn thang bảng lương vẫn thiết kế theo cấp hàm. Đối với cán bộ dân cử, tại khu vực hành chính, hướng thiết kế sẽ là không có lương chức vụ, chỉ có lương chuyên môn.

Ngoài ra, ban soạn thảo đề án cũng đang tính thu gọn các chế độ phụ cấp, trợ cấp, bồi dưỡng có tính chất ưu đãi ngành nghề hiện nay để quy định thành chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, phụ cấp ưu đãi hoặc phụ cấp trách nhiệm (đối với các ngành tư pháp, thanh tra, kiểm tra...). Vừa qua, khi đi khảo sát tại SingaporeMalaysia, ngoài lương mỗi công chức còn được hưởng rất nhiều khoản khác. Trong thời gian nhất định, Chính phủ khảo sát 20-25 ngành, nghề mà công chức dễ bị thị trường lao động thu hút, để có chế độ phụ cấp nhất định, tránh tình trạng chảy máu chất xám. Ngoài ra, ban soạn thảo đề án đang xem xét bổ sung chế độ khuyến khích học tập.

Chính phủ cũng đề nghị không thực hiện tiền thưởng thường xuyên từ quỹ lương (lương tháng thứ 13), vì thực tế việc thực hiện tiền thưởng này có tính chất bình quân, đại trà, không thực sự khuyến khích cán bộ, công chức làm việc tốt hơn.

 

2003

2004

2005

2006

2007

LƯƠNG TỐI THIỂU (1.000 ĐỒNG)

290

290

300

320

340

Hệ số điều chỉnh lương tối thiểu của khu vực hưởng lương từ NSNN

0,00

0,00

0,07

0,09

0,18

Tiền lương tối thiểu của khu vực hưởng lương từ NSNN (cả hệ số điều chỉnh) (1.000 đồng)

290

290

320

350

400

Tiền lương trung bình của cán bộ công chức (1.000 đồng/tháng)

516,2

678,6

748,8

819

936

Tốc độ tăng tiền lương so với năm 2002 (%)

38,1

81,5

100,3

119,1

150,4

Tốc độ tăng GDP bình quân so với năm 2002 (%)

11,3

24,1

38,9

53,4

68,9

Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội so với năm 2002 (%)

8,2

17,2

27,4

38,5

48,1

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo