Đại dịch Covid-19 ập đến, tạo nên kỳ "nghỉ đông" dài nhất trong lịch sử bóng đá châu Âu ở cấp độ đội tuyển nên đó có lẽ là lý do để người hâm mộ đặt nhiều kỳ vọng vào đấu trường Nations League mùa thứ nhì. Các nhà cầm quân có dịp thẩm định năng lực của các tuyển thủ sau hàng tháng trời lo chinh chiến ở màu áo CLB trong khi LĐBĐ châu Âu (UEFA) xem đây là cơ hội giúp các đội tuyển có sự chuẩn bị tốt nhất cho VCK Euro đã bị dời lại một năm.
Thế nhưng thực tế đáng buồn là trong hơn một tuần lễ qua, sức hút của hai lượt đấu mở màn Nations League 2020-2021 chẳng là bao trên các phương tiện truyền thông khắp thế giới. Việc các đội tuyển không cử được lực lượng mạnh nhất tham dự giải, nơi do cầu thủ phải dự hai cúp châu Âu không kịp hồi phục để thi đấu, nơi một phần đội hình bị "tàn phá" vì dịch Covid-19, được xem là nguyên nhân khiến người hâm mộ quay lưng với giải.
“Đại chiến” ở Nations League chỉ gồm toàn những gương mặt trẻ xa lạẢnh: Reuters
Không có được nhân sự tốt nhất cho các phương án chiến thuật, những nhà cầm quân buộc phải trưng dụng đến dàn cầu thủ trẻ. Điều này vô tình khiến cho hàng loạt cuộc đối đầu được gắn mác "siêu kinh điển" hay "đại chiến" bị đổ vỡ, như cách người hâm mộ chờ xem rồi thất vọng với màn chạm trán giữa hai cựu vô địch thế giới Đức - Tây Ban Nha, cuộc chiến láng giềng kỳ phùng địch thủ Iceland - Anh hay hai đại thế lực một thời so tài Hà Lan - Ý…
Chẳng những thiếu vắng các trận cầu hấp dẫn, Nations League xem ra cũng chẳng nhận được sự tôn trọng đúng mực từ chính các đội bóng. Cứ nhìn các đội tuyển chuẩn bị trong tình cảnh hỗn loạn, cầu thủ mạnh ai nấy đi du lịch ở những "ổ dịch", không nhiều người mặn mà với việc lên tuyển sau một mùa giải hoặc bị kết thúc sớm (Pháp, Hà Lan), hoặc vừa đá trở lại vừa lo lắng chuyện bị cắt giảm một phần hay toàn bộ lương (Anh, Tây Ban Nha, Đức), kể cả nguy cơ bị thanh lý hợp đồng sớm do đội bóng lâm cảnh thất thu, phá sản, cũng dễ thấy Nations League nhạt nhòa như thế nào.
Hẳn nhiên, các đội tuyển cũng cần đá tập hoặc tranh tài chính thức để rà soát lực lượng, thử nghiệm đội hình. Thế nhưng, ngoài đôi nét chấm phá từ sự hiện diện và ghi bàn của tài năng trẻ (Ansu Fati, Tây Ban Nha), số lần lập công kỷ lục của một trung vệ (Sergio Ramos, Tây Ban Nha), khả năng săn bàn như máy của chân sút tiềm năng (Erling Haaland, Na Uy), hàng loạt trận đấu nhàn nhạt với tỉ số 0-0, 1-0, 2-1… nhiều vô kể, đủ để người hâm mộ nghi ngờ về khả năng "tranh tài như giao hữu" tái xuất tại chính Nations League.
Quyết tâm thay đổi để tăng cường sức hấp dẫn cho sân chơi mới của UEFA rất đáng ghi nhận nhưng ngay cả khi được "cứu" khỏi cảnh rớt hạng, những cái tên như Đức, Croatia hay Iceland cũng khó tạo được sức bật ở nhóm A, nơi quy tụ các đội tuyển mạnh nhất ở châu Âu. Chỉ hy vọng nhóm đội "tốp dưới" vẫn ra sức thi đấu tận tình, cụ thể tại các lượt đấu sau khi tình hình đã lắng xuống, để còn có thể trông chờ cơ hội đi tranh vé vớt, mơ ngày đặt chân đến World Cup 2022.
Bình luận (0)