Đội đương kim vô địch Ngoại hạng Anh quyết liệt đệ đơn kháng cáo án phạt cấm tham dự các cúp châu Âu trong vòng hai năm, mà theo Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), do Man City "vi phạm nghiêm trọng" các quy định của Luật Công bằng tài chính.
Man City đối mặt với nguy cơ vắng mặt 2 mùa ở cúp châu Âu
Ngày 14-2 vừa qua, thông qua bản báo cáo của nhóm điều tra độc lập thuộc Cơ quan kiểm soát tài chính các câu lạc bộ bóng đá (CFCB), UEFA chính thức cáo buộc Man City "khai khống doanh thu tài trợ của câu lạc bộ trong sổ sách và thông tin hòa vốn cung cấp cho UEFA giai đoạn 2012 đến 2016". Man City còn "thể hiện thái độ bất hợp tác" trong suốt quá trình điều tra vụ việc của CFCB, theo nội dung báo cáo trên.
Man City là mục tiêu "tập kích" của 8 đội bóng, có Liverpool, Man United và Arsenal
Tất cả hành vi của Man City đã vi phạm nghiêm trọng những quy định của Luật Công bằng tài chính và UEFA tuyên bố cấm Man City tham dự mọi giải đấu cấp CLB trên toàn châu Âu trong hai mùa giải 2020-2021 và 2021-2022 đồng thời phải nộp phạt 25 triệu bảng.
Man United của Solskjaer tham gia "đâm lén" Man City của Pep
UEFA đã mở cuộc điều tra sau khi phát hiện có quá nhiều điểm đáng ngờ trong thống kê doanh thu của Man City, bao gồm việc đội bóng này sử dụng nguồn tài trợ trực tiếp từ các công ty con của Abu Dhabi United Group, do ông chủ Sheik Mansour quản lý nhưng được "phù phép" thành các khoản đầu tư. Thêm vào đó là hợp đồng bán tên sân "City of Manchester" thành Etihad, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng vượt ngưỡng, các hoạt động lách luật khác…
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm đội chủ sân Etihad năm 2015
Án được tuyên từ tháng 2 và đơn khiếu kiện của Man City cũng đã được gửi đi từ rất lâu nhưng do tình hình đại dịch Covid-19, CAS tuyên bố chỉ tiếp nhận và chính thức nghiên cứu hồ sơ vụ việc kể từ ngày 8-6. Theo giới truyền thông xứ sở sương mù, quy trình thẩm định hồ sơ này chỉ mất khoảng 3 ngày nhưng CAS chắc chắn phải cần đến 2 tháng trước khi đưa ra phán quyết chính thức về việc Man City có vi phạm luật hay không.
Đây sẽ là phiên điều tra có ảnh hưởng cực lớn đến tương lai của Man "xanh". Nếu lệnh cấm của UEFA được giữ nguyên, hệ lụy của nó là rất nghiêm trọng đối với đội bóng khi dàn cầu thủ ngôi sao chắc chắn sẽ kiếm đường ra đi, từ Leroy Sane, Sergio Aguero, De Bruyne cho đến Raheem Sterling và thậm chí cả ông thầy Pep Guardiola.
CEO Ferran Soriano (trái) "thất vọng nhưng không ngạc nhiên" với UEFA
Tuy nhiên, nếu "The Citizen" kháng án thành công (lệnh cấm có thể được gỡ bỏ hoặc giữ nguyên nhưng rút ngắn thời gian từ 2 năm còn 1 năm), UEFA sẽ mất uy tín khủng khiếp, chưa kể bị đặt dấu hỏi về khả năng tồn tại của Luật Công bằng tài chính.
Báo chí Anh khẳng định đôi bên sẽ dốc toàn lực cho cuộc chiến pháp lý ở CAS, kéo dài trong ba ngày. UEFA tự tin vào hệ thống luật lệ, quy định và cả đội ngũ pháp lý mạnh nhất của họ trong khi Man City đã mời Nam tước David Pannick, QC, vị luật sư lừng danh đã hai phen thách thức thành công công việc xử lý của chính phủ Anh đối với tiến trình Brexit.
De Bruyne và dàn sao Man City sẽ ra đi
Không chỉ cho rằng bị UEFA "trù dập", Man City luôn khẳng định sự vô tội trước các cáo buộc nghiêm trọng nhất. Giám đốc điều hành Ferran Soriano nhấn mạnh ông "thất vọng nhưng không ngạc nhiên trước quyết định của UEFA" và tuyên bố sẽ làm mọi thứ để chứng minh sự trong sạch ấy.
Sportsmail từng tiết lộ, 8/9 đối thủ của Man City thuộc Top 10 Ngoại hạng Anh - gồm Liverpool, Man United, Tottenham, Arsenal, Chelsea, Tottenham, Burnley, Wolverhampton, không có Sheffield United - đã viết thư cho CAS để yêu cầu giữ nguyên mức án phạt dành cho Man City.
Hai bên liên quan đều muốn CAS sớm đưa ra phán quyết, cụ thể là trước khi bốc thăm vòng bảng của Champions League và Europa League mùa 2020-2021 để tránh những sự xáo trộn không cần thiết.
Bình luận (0)