Sự việc đô vật Lê Duy Hợi (Cần Thơ) rượt đánh trọng tài Nguyễn Đình Hùng vì cho rằng đồng đội cũ ở đơn vị Quân đội là Ngô Thế Sao bị xử ép hay việc HLV Đinh Văn Kiên (Thừa Thiên - Huế) nói chuyện “phải quấy” bằng… tay chân với trọng tài Nguyễn Đức Thọ do ấm ức việc học trò thua trận như một lời cảnh tỉnh về sự suy đồi đạo đức trong một bộ phận các HLV và VĐV thể thao.
Đại hội TDTT toàn quốc là sự kiện được tổ chức 4 năm một lần, là cơ hội đánh giá toàn diện sự quan tâm của các ngành, địa phương đối với phong trào TDTT thông qua công tác đào tạo, tập luyện cũng như thi đấu. Theo thời gian, ý nghĩa này càng giảm dần sau 6 kỳ đại hội khi hằng năm, các giải vô địch, giải trẻ... liên tục được tổ chức, giúp lực lượng VĐV cả nước có cơ hội cọ xát, giao lưu và học hỏi lẫn nhau thường xuyên, tăng cường bản lĩnh cũng như năng lực thi đấu quốc tế.
Vai trò lịch sử và ý nghĩa của đại hội TDTT toàn quốc trong sự nghiệp phát triển chung là không thể phủ nhận nhưng căn bệnh thành tích quá nặng cùng nhiều hệ lụy khác khiến dư luận không dưới một lần nêu câu hỏi có nên duy trì sự tồn tại của sự kiện tốn kém này? Chuyện võ sĩ judo Văn Ngọc Tú của Sóc Trăng hay dàn VĐV wushu Hà Nội cùng… lên núi khoác áo Gia Lai ở kỳ đại hội năm nào cho đến trường hợp Quân đội dư quân, để Lê Duy Hợi thi đấu dưới màu áo Cần Thơ lần này, không khác nhau về bản chất là săn tìm thành tích. Judo Gia Lai, wushu Gia Lai đến giờ vẫn chưa có vị trí xứng đáng trên bản đồ thể thao cả nước sau nhiều năm và tương lai cũng sẽ tương tự đối với môn vật Cần Thơ, những địa phương tiêu biểu của việc hái quả thành tích mà không lo vun trồng từ gốc nhiều môn không phải thế mạnh của mình.
Trong guồng quay ấy, việc nhà vô địch châu Âu Hoàng Thanh Trang thua to ở nội dung cờ nhanh, hay siêu đại kiện tướng, nhà vô địch thế giới Lê Quang Liêm chỉ về nhì ở cả nội dung cờ chớp lẫn cờ nhanh là thực tế “lợi bất cập hại” cho chính các kỳ thủ này trên bước đường phát triển phía trước.
Trở lại vụ xô xát ở môn vật, ngoài chuyện so đo thành tích cùng sự xuống cấp đạo đức đã nhắc ở trên, giới chuyên môn hẳn phải nhìn lại lực lượng trọng tài dù ông Nguyễn Thế Long, Trưởng bộ môn vật (Tổng cục TDTT), cho rằng ở vụ việc VĐV Lê Duy Hợi đánh trọng tài Nguyễn Đình Hùng, những tình huống cho điểm, trừ điểm của trọng tài Hùng đều chính xác. Quy định là công tâm trong điều hành thi đấu nhưng mấy ai “thoát” được tâm lý phải “bắt” cho địa phương hay “gà nhà”?
Đại hội TDTT toàn quốc có nên tồn tại hay không, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ trước thực tế nhiều màu tối kể trên. Đại hội là ngày hội hay phiên chợ, phụ thuộc vào suy nghĩ và tầm nhìn của những người có trách nhiệm với phong trào thể thao các địa phương và nền thể thao nước nhà.
Thạch Kim Tuấn cầm đuốc khai mạc
Lễ khai mạc Đại hội TDTT toàn quốc lần VII-2014 sẽ khai mạc từ 20 giờ ngày 6-12 trên sân Thiên Trường - TP Nam Định. VĐV cử tạ của TP HCM Thạch Kim Tuấn sẽ là 1 trong 7 VĐV được vinh dự cầm đuốc khai mạc đại hội.
Chính thức diễn ra từ ngày 6 đến 18-12, đại hội có 7.493 VĐV (trong đó 4.278 VĐV nam, 3.215 VĐV nữ), 1.795 trọng tài, 1.674 cán bộ, HLV của 63 tỉnh/thành và 2 ngành công an, quân đội. Hiện đại hội đã tổ chức xong 16 môn và đang tiến hành tổ chức thi đấu 8 môn. Là địa phương đăng cai chính, TP Nam Định tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và 13 môn thi đấu.
Trong ngày 5-12, TP HCM đã giành thêm 5 HCV để tiếp tục vị trí thứ hai toàn đoàn, sau Hà Nội, trong đó lặn đoạt 4 HCV và 1 kỷ lục quốc gia. Q.Liêm
Bình luận (0)