Chiến thắng 3-0 trong trận chung kết bóng đá nam trước U22 Indonesia đã mang lại cho bóng đá Việt Nam tấm HCV được chờ đợi suốt 60 năm qua ở đấu trường khu vực. Hàng triệu triệu người hâm mộ Việt Nam theo dõi trận cầu qua màn ảnh truyền hình, hàng ngàn khán giả có mặt trực tiếp trên sân Rizal Memorial tại Manila đã, đang và sẽ còn ngây ngất với màn trình diễn tuyệt vời của các học trò HLV Park Hang-seo. Nụ cười, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt mọi người khi chứng kiến thời khắc đăng quang của "những chiến binh Rồng vàng" sau các pha lập công của Đoàn Văn Hậu và Đỗ Hùng Dũng.
Hai tấm HCV bóng đá nam, nữ trong vòng 3 ngày làm ngất ngây người hâm mộ và hai danh hiệu "nhà vua" và "nữ hoàng" khu vực đã cùng góp sức để thể thao Việt Nam (TTVN) hoàn thành sớm chỉ tiêu huy chương cũng như củng cố thứ hạng trong tốp 3 quốc gia dẫn đầu đại hội. Cùng với bóng đá nam, điền kinh, vật, kickboxing và bơi đã khép lại ngày tranh tài áp chót của SEA Games 30 với tổng cộng 17 ngôi vô địch, giúp đoàn TTVN đạt mốc 97 HCV và hoàn toàn có thể mơ mộng đến vị trí á quân đại hội.
Nguyễn Thị Huyền chiến thắng cự ly 400 m rào nữ Ảnh: Quang Liêm
Chỉ để vuột thứ hạng ở 3 hạng cân, vật Việt Nam chiến thắng ở 7 nội dung vật tự do và vật cổ điển, hoàn tất đại hội với tổng số 12 HCV và 2 HCB. Cú tăng tốc dũng mãnh của các võ sĩ Việt Nam không nằm ngoài dự kiến của giới chuyên môn mà Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang đã trả lời trên truyền hình trong ngày SEA Games 30 khởi tranh. Tính tổng thể, vật chỉ xếp sau điền kinh, môn thể thao nữ hoàng, về số lượng huy chương.
Một Nguyễn Thị Oanh nhỏ bé, cao chưa đến 1,50 m nhưng chỉ trong 3 ngày mang về đến 3 tấm HCV ở các cự ly gian khổ bậc nhất. Một bà mẹ trẻ rời con chỉ vài tháng tuổi để lao vào tập luyện đã được đền đáp xứng đáng với "cú đúp vàng" trong vòng 3 ngày, là Nguyễn Thị Huyền. Những gương mặt cũ mới góp sức mang về 6 HCV ngày cuối, giúp điền kinh Việt Nam qua mặt đại kình địch Thái Lan ở kỳ đại hội thứ nhì liên tiếp, khẳng định sự trưởng thành của môn thi hấp dẫn bậc nhất trong hệ thống Olympic. Hẳn nhiên, đích đến giờ đây của điền kinh Việt Nam phải là những suất tham dự chính thức Thế vận hội Tokyo mùa hè năm 2020.
Không thể không nhắc đến tấm HCV gần như nằm ngoài mọi dự kiến ở cự ly bơi đường dài 10 km, khoảng cách chỉ nghe thôi cũng đã khiến nhiều người phát hoảng. VĐV 21 tuổi Trần Tấn Triệu xuất thân từ tay bơi hồ ngắn không mấy ai biết đến đã vươn mình thành một kình ngư đích thực cùng với tấm HCV quốc tế đầu đời. Tấn Triệu, Huy Hoàng, Hưng Nguyên, Thanh Bảo… chắc chắn sẽ là những niềm hy vọng của bơi lội Việt Nam với mục tiêu ra biển lớn trong tương lai không xa.
Bảng vàng thành tích ngày 10-12
Bóng đá nam, Nguyễn Thị Oanh (điền kinh, 5.000 m nữ), Trần Tấn Triệu (bơi, 10 km), Nguyễn Văn Công (vật tự do, hạng 57 kg nam), Cấn Tất Dự (vật tự do, hạng 70 kg nam), Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (vật cổ điển, hạng 62 kg nữ), Kiều Thị Ly (vật cổ điển, hạng 55 kg nữ), Nguyễn Hữu Định (vật cổ điển, hạng 61 kg nam), Nguyễn Xuân Định (vật tự do, hạng 65 kg nam), Nguyễn Thị Huyền (điền kinh, 400 m rào nữ), Nguyễn Thị Oanh (điền kinh, 3.000 m VCN nữ), Hà Văn Hiếu (vật tự do, hạng 125 kg nam), Nguyễn Thị Oanh - Quách Thị Lan - Hoàng Thị Ngọc - Nguyễn Thị Hằng (điền kinh, 4x400 m tiếp sức nữ), Huỳnh Văn Tuấn (kickboxing, hạng 51 kg nam), Quách Công Lịch - Lương Văn Thao - Trần Đình Sơn - Trần Nhật Hoàng (điền kinh, 4x400 m tiếp sức nam), Nguyễn Xuân Phương (kickboxing, hạng dưới 57 kg nam), Đỗ Quốc Luật (điền kinh, 3.000 m VCN nam).
Bình luận (0)