Lần thứ hai trong vòng nửa thế kỷ qua, khuôn viên rộng 14.400 m2 của Công viên Vạn Xuân cũ sẽ được khoác lên mình một diện mạo mới; cụ thể là một công trình phức hợp thể thao quy mô, hiện đại, hội đủ các tiêu chuẩn để có thể đăng cai các sự kiện, giải thi đấu tầm cỡ khu vực và châu lục.
Trong tiếng máy cưa rền vang cắt nhánh, hạ cành gần chục cây điệp 100 năm tuổi trong khuôn viên Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, giữa âm thanh chát chúa của những tấm tôn, khung sắt được tháo dỡ từ mái nhà thi đấu chính lẫn nhà tập luyện, ông Nguyễn Minh Hoàng - giám đốc trung tâm - hào hứng nói về cơ ngơi mới sắp được tạo dựng nên sau gần 20 năm Chính phủ có chủ trương về các công trình TDTT theo mô hình BT (xây dựng, chuyển giao) và giao thành phố làm thí điểm.
“Sự kiện một phần trần thạch cao của nhà thi đấu (NTĐ) chính bị đổ sập khi Giải Cầu lông quốc tế TP HCM 2014 đang diễn ra là yếu tố quan trọng, tác động mạnh đến những quyết định tiếp theo của lãnh đạo thành phố xung quanh việc xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng. Được xây dựng mới lần đầu và đi vào hoạt động năm 1985 nhân kỷ niệm 10 năm thống nhất đất nước, nơi đây đã chứng kiến rất nhiều sự kiện quan trọng: World Cup bóng bàn 1992, World Cup cầu lông 1994, Giải Vô địch Taekwondo châu Á 2000, Giải Vô địch Bóng chuyền nữ châu Á 2003, gần 20 mùa giải bóng bàn Cây vợt vàng cùng vô số giải thi đấu đỉnh cao khác... Việc tham gia tổ chức thành công các giải quyền Anh trong khuôn khổ SEA Games 2003 và billiards tại Asian Indoor Games 2009 cũng là những dấu ấn khó quên trong lịch sử NTĐ. Sau hơn 30 năm hoạt động với nhiều lần tu bổ, sân xuống cấp khá nhiều. Mặt sân của NTĐ được xây dựng theo tiêu chuẩn cũ, kích thước hẹp, thiếu các công trình phụ trợ nên không còn phù hợp cho công năng tổ chức thi đấu, dù chỉ là các giải trong khu vực” - ông Hoàng phân tích.
Theo thiết kế được thông qua, Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng sẽ bao gồm 2 khối: Cụm NTĐ chính và khu vực nhà tập luyện đa năng. Ngoài 2-3 tầng hầm để xe cùng với một tầng dành cho khối văn phòng, điểm nhấn của cụm NTĐ chính chính là sân thi đấu với khán đài có sức chứa 4.000 chỗ, mặt sàn đấu có chu vi 40 x 60 m, bảo đảm tiêu chuẩn tổ chức tất cả các môn thể thao trong nhà, kể cả môn cần nhiều mặt bằng nhất cùng lúc là thể dục dụng cụ. Đi kèm là đầy đủ các phòng chức năng dành cho ban tổ chức giải, trọng tài, VĐV, báo chí, kỹ thuật...
Cụm nhà tập luyện bao gồm các khu vực phụ trợ như đường chạy phủ nhựa tổng hợp phục vụ khởi động, phòng tập thể lực, sân tennis, cầu lông, bóng rổ… hoàn toàn tách bạch khỏi hoạt động tổ chức thi đấu, bảo đảm việc tập luyện theo kế hoạch của VĐV 12 bộ môn mà Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng sẽ đảm nhận sau khi có cơ ngơi hiện đại trong tay.
“Rất nhiều vấn đề được đặt ra khi dự án xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng được trình lên lãnh đạo thành phố. Hàng chục cuộc họp của các sở, ban, ngành liên quan giải quyết từng khâu như giải tỏa ách tắc giao thông, vốn đầu tư xây dựng, thi thiết kế, quy hoạch kiến trúc... Ngay trong ngành, nhiều cán bộ lão thành lúc đầu chưa thông vì “đụng” đến một công trình lịch sử nhưng rồi tất cả đều ủng hộ khi biết rõ công trình mới sẽ toàn tâm toàn ý phục vụ cho thể thao, đáp ứng nhu cầu phát triển của thể thao TP HCM thời kỳ mới” - ông Nguyễn Minh Hoàng cho biết.
Kinh phí xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng lên đến trên 1.500 tỉ đồng và Tổng Công ty CP Đền bù Giải tỏa (chủ đầu tư) đã đồng ý phương án đổi đất lấy hạ tầng, bước đầu bằng giá trị sử dụng 2 khu đất mặt tiền quận 1. Ngoài ra, lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo tiếp tục rà soát quỹ đất để làm cơ sở thanh toán phần tiếp theo cho nhà đầu tư. Dự án dự kiến sẽ được triển khai ngay trong năm 2017 và hoàn thành sau 36 tháng.
Kế tiếp là Hoa Lư
Một lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM cho biết Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng sẽ là bước đi đầu tiên, mở đường cho nhiều công trình TDTT được xây mới trong thời gian tới mà tiếp theo sẽ là Trung tâm TDTT Hoa Lư.
Bình luận (0)