Quyết tâm chống tiêu cực của VFF là rất lớn khi sáng 2-8, Chủ tịch Lê Hùng Dũng khẳng định một lần nữa sẽ thẳng tay loại bỏ những cầu thủ tham gia cá độ, mua bán độ dưới mọi hình thức khỏi đời sống bóng đá. Để làm được điều này, ông Dũng sẽ yêu cầu xây dựng một khung pháp lý với những hình phạt rất nặng đưa vào quy định kỷ luật với các cầu thủ dính líu đến dàn xếp tỉ số.
Trưởng Ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường ủng hộ quan điểm của chủ tịch VFF - cần phải có thêm các hình thức kỷ luật mạnh tay. Ông Hường cho biết: “Hiện nay, trong quy định kỷ luật của VFF đã cho phép loại bỏ cầu thủ dính đến dàn xếp tỉ số. Tuy nhiên, điều khoản này còn chung chung, chưa liệt kê rõ các hình thức tiêu cực nên cầu thủ có thể chưa biết sợ”.
Theo ông Hường, việc cấm cá độ là cần thiết vì đây là một trong những nguyên nhân khiến các cầu thủ sa vào vòng tội lỗi. Ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), nhớ lại: “Trước đây, khi xây dựng đề án hợp pháp hóa cá cược bóng đá, tôi cũng nhấn mạnh đến việc phải quản được cầu thủ tham gia cá độ. Nếu không, chúng ta tạo ra một sân chơi lành mạnh nhưng cuối cùng lại làm hỏng nền bóng đá của mình”.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dung cũng dự định đưa ra những hình phạt “nóng” với các cầu thủ bán độ khi chưa có bản án của tòa. Về vấn đề này, nhiều luật sư tỏ ra không đồng tình. Theo luật sư Trần Vũ Hải, mức độ vi phạm của cầu thủ đến đâu thì xử đến đó chứ đánh đồng kiểu loại thẳng tay, loại tất cả không những không đem lại cái lợi nào mà còn có thể gây ra tác dụng ngược.
“Tôi ủng hộ việc loại bỏ các cầu thủ cầm đầu, rủ rê đồng đội bán độ. Cầu thủ tham gia cũng phải xử thật nghiêm nhưng cần tạo cho họ một con đường để quay trở lại. Thực tế đã chứng minh có những cầu thủ chỉ phạm sai lầm đúng một lần và khi được tạo cơ hội, họ có thể cống hiến rất tốt cho bóng đá nước nhà” - ông Hải nhận xét.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho biết ngay trong hội nghị tổng kết V-League năm nay, ông sẽ đề nghị VPF và các đội bóng nhìn nhận thật rõ căn bệnh bán độ, dàn xếp tỉ số đang lây lan nhanh chóng. “Một mình VFF chúng tôi không thể có cơ chế để phát hiện tiêu cực. Điều tra là việc của công an nhưng phòng ngừa là việc của các đội bóng. VFF sẽ đưa ra những cơ chế, hình phạt đủ sức răn đe để cầu thủ thấy được nếu nhúng chàm, họ phải trả giá đắt thế nào” - ông nói.
Theo luật sư Trần Vũ Hải, 9 năm sau vụ án tiêu cực ở SEA Games 2005, bóng đá Việt Nam lại đang đứng trước những thách thức rất lớn. “Nếu các nhà quản lý nền bóng đá không tỉnh táo, không nhận diện đúng “kẻ thù” thì tôi e rằng chu kỳ khủng hoảng tiêu cực lại xảy ra. “Kẻ thù” của VFF không phải là các cầu thủ mua bán độ, dàn xếp tỉ số mà là những yếu kém nội tại trong việc quản lý cầu thủ và môi trường bóng đá không lành mạnh” - ông Hải nhìn nhận.
Bình luận (0)