Gần đến ngày LĐBĐ Việt Nam (VFF) công bố danh sách tập trung đội tuyển chuẩn bị cho trận giao hữu với Syria và Giải Tứ hùng tại Myanmar vào cuối tháng 5, người hâm mộ quan tâm nhất là liệu HLV Hữu Thắng có phải là nhà cầm quân thứ hai sau thời ông H. Calisto được tạo điều kiện gọi cầu thủ nhập tịch.
HLV Hữu Thắng cũng mong chờ điều này, còn VFF đang lưỡng lự vì vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về cầu thủ nhập tịch. Nhìn sang các nước trong khu vực, Singapore và Philippines là những quốc gia đi đầu trong trào lưu nhập tịch cầu thủ. Đây là 2 nước có giải quốc nội khá èo uột do lứa thanh niên trẻ không đam mê bóng đá bằng bóng rổ, điền kinh hay quyền Anh nên việc phát hiện, đào tạo nguồn cầu thủ nội rất khó khăn. Vì vậy, không khó hiểu khi Philippines và Singapore ưu tiên nhập tịch cầu thủ cũng như sử dụng nguồn cầu thủ gốc Phi và Singapore đang sinh sống ở nước ngoài.
Nếu nhìn vào khía cạnh bóng đá cần thành tích trước mắt, cách làm của Singapore và Philippines là dễ dàng tiếp cận danh hiệu. Singapore 3 lần vô địch AFF Cup cho dù đào tạo trẻ, tiêu biểu là lứa U23, chưa bao giờ vào nổi chung kết một kỳ SEA Games. Philippines mới chỉ học hỏi Singapore nhưng cũng đã có một đội tuyển quốc gia mạnh, thắng và loại cả CHDCND Triều Tiên khỏi vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á.
Đặt vào trường hợp bóng đá Việt Nam, nếu sử dụng cầu thủ nhập tịch, tính chất cũng chỉ là giải quyết bài toán thành tích nhất thời cho đội tuyển quốc gia tại AFF Cup 2016 sắp tới. Trong bối cảnh áp lực thành tích với một số quan chức tại VFF quá lớn, họ đã hứa hẹn với người hâm mộ về thành tích sắp tới của đội tuyển khi sa thải HLV Miura. Vì vậy, chuyện “bật đèn xanh” cho HLV Hữu Thắng gọi cầu thủ nhập tịch có thể xảy ra.
Vấn đề là về lâu dài, chuyện bổ sung cầu thủ nhập tịch cho đội tuyển không giải quyết được vấn đề cốt lõi của cả nền bóng đá. Đó là sự lệ thuộc vào ngoại binh, cầu thủ nhập tịch ở các vị trí quan trọng đã khiến lứa cầu thủ trẻ trong nước thiếu cơ hội cọ xát, phát triển năng lực. Thái Lan vẫn đứng đầu khu vực Đông Nam Á dần tiếp cận trình độ châu Á mà không cần tính đến phương án nhập tịch cầu thủ. Họ tập trung phát triển bóng đá từ nền tảng rất tốt, quản lý tốt giải quốc nội, phát triển tốt bóng đá trẻ, tạo ra thế hệ cầu thủ vừa mạnh mẽ về thể lực, tốc độ vừa giàu kỹ thuật, lại có tư duy chơi bóng tốt nhất khu vực.
Từ đó để thấy việc sử dụng cầu thủ nhập tịch cho đội tuyển để giải quyết nhu cầu thành tích trước mắt, cụ thể là ngay tại AFF Cup 2016 tới đây, là vấn đề cần tính toán kỹ. Trừ khi cầu thủ nhập tịch đó có trình độ vượt trội hẳn so với mặt bằng bóng đá khu vực cũng như sự có mặt của anh ấy kích thích sự phát triển của đội tuyển nói riêng, bóng đá Việt Nam nói chung.
Phải mạnh tay như Calisto
HLV Hữu Thắng rất háo hức với những cầu thủ nhập tịch giỏi như Samson của Hà Nội T&T nhưng ông cũng cần phải nhớ về đồng nghiệp Calisto, người từng phải loại Phan Văn Santos, một “công thần” nhưng khi lên tuyển rồi lại tỏ thái độ hời hợt, ỷ lại, dẫn đến sự bất mãn của đồng đội.
Bình luận (0)