Nhật Bản là đội toàn thắng từ đầu giải cho đến trước vòng tứ kết. Bốn trận đấu, họ ghi 14 bàn và để thủng lưới vỏn vẹn 1 bàn. Họ vùi dập Tây Ban Nha, một trong những đội bóng mạnh nhất thế giới ở vòng bảng với tỉ số 4-0 và có khả năng hai đội sẽ tái ngộ tại vòng bán kết.
Nhật Bản sau chiến thắng 4-0 trước Tây Ban Nha ở vòng bảng
Trong 14 bàn của Nhật Bản, ngoại trừ 1 bàn do cầu thủ Na Uy đá phản lưới nhà và 1 bàn ghi được trên chấm phạt đền ở trận gặp Zambia, các pha lập công của Nhật Bản đều đến từ những đường phối hợp thông minh có chủ đích, thường bắt đầu từ phần sân nhà. Trong một giải đấu mà các đội gặp khó khăn trong việc tạo cơ hội bằng các pha phối hợp, tấn công cánh và tạt khá nhiều, thì các bàn thắng của Nhật Bản đều cực kỳ gọn gàng.
Tây Ban Nha thất thần sau trận thua 0-4
Nhật Bản là đội duy nhất tại giải sử dụng sơ đồ 3-4-3. Không nhiều đội tại giải bố trí hàng thủ 3 người, trừ Hà Lan và Anh thỉnh thoảng sử dụng. Nhật Bản mới bắt đầu dùng hệ thống 3 hậu vệ từ cách đây 1 năm, nhưng đến giờ thực sự rất nhuyễn. Nhìn họ đá cứ như một CLB, với các cầu thủ tập luyện bên nhau cả năm.
Hệ thống thi đấu của Nhật Bản cho phép họ luôn phòng thủ với 5 người, tức là 3 hậu vệ và 2 tiền vệ đánh chặn. Ở mặt trận tấn công, họ cũng luôn có 5 người, là 3 tiền đạo cộng với 2 cầu thủ chạy cánh.
Hinata Miyazawa (7) đang dẫn đầu danh sách "Nữ hoàng phá lưới"
Hinata Miyazawa (7) đang dẫn đầu danh sách "Nữ hoàng phá lưới" với 5 bàn thắng, nhưng Yui Hasegawa (14) và Riko Ueki (9) mới là linh hồn trong lối chơi của đội bóng xứ sở Hoa anh đào. Hasegawa có những pha kiến tạo từ tuyến giữa lên rất sắc. Ueki chơi ở vị trí trung phong nhưng thường lùi xuống để liên kết các tuyến.
Riko Ueki (9) là linh hồn trong lối chơi của đội bóng xứ sở Hoa anh đào
Với lối chơi phản công, điều quan trọng là phải có một tiền đạo có thể giữ bóng. Ueki đã thể hiện vai trò này một cách xuất sắc. Khi một đội cầm bóng ít, các cầu thủ sẽ không háo hức chạy nước rút để phản công nếu tiền đạo của họ không thể kiểm soát bóng, vì họ biết rằng cuối cùng họ sẽ phải chạy nước rút trở lại.
Yui Hasegawa (14) sút bóng trong trận gặp Na Uy
Nhật Bản là đội biết cách thích nghi với tình thế. Nói thì dễ, làm không dễ. Phải có một sự khiêm tốn nhất định, mới có thể làm được. Dù họ và Tây Ban Nha đều có cùng phong cách chuyền ngắn, giữ bóng lâu, trung phong lùi sâu để liên kết lối chơi nhưng khi đụng độ nhau, Nhật Bản sẵn sàng "nhường" cho Tây Ban Nha làm điều đó.
Phần mình, Nhật Bản chọn lối chơi phản công, trực tiếp hơn và hiệu quả hơn. Tây Ban Nha kiểm soát bóng nhiều mà không tạo ra nhiều cơ hội. Nhật Bản ghi bàn dù cầm bóng không nhiều. Trong một hiệp đấu với Tây Ban Nha, chỉ với 3 lần đưa bóng tới vòng cấm của đối thủ, Nhật Bản đã ghi được 3 bàn. Một hiệu suất đáng sợ.
Thủ môn Ayaka Yamashita chỉ để thủng lưới vỏn vẹn 1 bàn sau bốn trận
Cũng như đội nam tại World Cup 2022, đội nữ Nhật Bản vui lòng xoay vòng đội hình khi mọi người đều biết vai trò của họ trong đội. Chỉ có 4 cầu thủ có mặt trong đội hình xuất phát ở cả 4 trận từ đầu giải: thủ môn Ayaka Yamashita (1), hậu vệ phải Risa Shimizu (2), trung vệ Moeke Minami (3), trung vệ Saki Kumagai (4).
Nhật Bản đã vô địch World Cup 2011 và giành ngôi á quân World Cup 2015. Tại World Cup 2019, họ thua quả phạt đền vào phút cuối trước Hà Lan, đội sau đó đi đến trận chung kết. Có thể Nhật Bản sẽ tái ngộ với Hà Lan ở vòng bán kết nhưng trước mắt, họ cần phải vượt qua Thụy Điển. Đó là một đội có phong cách thi đấu không khác Na Uy, đối thủ vừa bị Nhật Bản đánh bại 3-1 ở vòng 1/8.
Nhật Bản thắng cựu vô địch thế giới Na Uy
HLV Hege Riise của Na Uy nhận xét về Nhật Bản: "Họ là một đội tuyệt vời với rất nhiều cầu thủ giỏi, là đội gắn kết nhất trong giải đấu này, và họ sử dụng chiến thuật rất hay. Sự kết hợp giữa tiki-taka với lối chơi trực diện của họ khiến các đối thủ rất khó phòng ngự".
Bình luận (0)