Cùng ngày 17-3, với sự kiện LĐBĐ châu Âu quyết định dời lại 1 năm thời hạn tổ chức vòng chung kết EURO 2020, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vẫn ra thông điệp đề nghị lực lượng VĐV trên toàn thế giới sẵn sàng tham gia Olympic Tokyo trong trạng thái tốt nhất. Chia sẻ quan điểm với các giới chức IOC, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo khẳng định quốc gia này sẽ làm tất cả để Olympic Tokyo khai mạc đúng vào ngày 24-7.
Vì sao trước sự phản đối quyết liệt của giới thể thao trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, người Nhật vẫn quyết tâm tổ chức bằng được kỳ Thế vận hội mùa hè thứ nhì trong lịch sử trên sân nhà?
Câu chuyện về vụ động đất ở TP Kobe năm 1995 cho đến nay vẫn được nhắc đến như là nét văn hóa ứng xử chủ đạo trong đời sống của người Nhật. Hai ngày sau trận động đất khủng khiếp tại TP miền Nam Nhật Bản khiến hơn 6.000 người thiệt mạng, cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng, 80% tuyến đường sắt được phục hồi và tiếp tục hoạt động. Chỉ có điều quy mô này không phù hợp với tiêu chuẩn của ngành giao thông Nhật Bản. Xấu hổ vì công việc không hoàn thành, một quan chức của Công ty Đường sắt Kansai đã tự kết liễu đời mình.
Đồng hồ đếm ngược ngày khai mạc Thế vận hội 2020 đặt tại Tokyo hôm 16-3 Ảnh: REUTERS
Văn hóa xấu hổ - "haji" trong tiếng Nhật Bản - gắn liền với những điều không ổn đã là một phần của cuộc sống ở đất nước này. Sẽ không phải là lỗi của Nhật Bản nếu Thế vận hội Tokyo không thể diễn ra do hậu quả của đại dịch Covid-19. Thế nhưng, nếu phải hủy bỏ sự kiện mà suốt 7 năm qua người Nhật đã dốc toàn lực chuẩn bị, sẽ là quyết định vô cùng khó khăn cho chính phủ nước này.
Tổ chức thành công Thế vận hội là nền tảng cho thông điệp "Nhật Bản trở lại" mà Thủ tướng Abe Shinzo muốn qua đó thúc đẩy tinh thần yêu nước của mọi người dân, đồng thời thể hiện sự đổi mới cũng như thái độ cởi mở của Nhật Bản. Ngân sách ban đầu dành cho sự kiện thể thao hàng đầu hành tinh này là 11 tỉ bảng đã sớm tăng lên đến 20,3 tỉ bảng.
Chỉ riêng việc vận động được khoản tài trợ trị giá lên đến 2,6 tỉ bảng, chủ yếu từ hơn 60 công ty Nhật Bản, cũng đã đủ để biến kỳ đại hội này trở thành sự kiện được tài trợ nhiều nhất trong lịch sử thể thao. Một tập đoàn hàng đầu chi khoảng 92,5 triệu bảng để trở thành một trong 15 nhà tài trợ "vàng" nhưng quyền lợi đổi lại "hầu như chẳng có gì", như giám đốc điều hành tập đoàn này thừa nhận dù số tiền tương đương một khoản lớn ngân sách tiếp thị của doanh nghiệp trong nhiều năm.
Hủy bỏ Olympic sẽ gây ra lãng phí khủng khiếp về mọi phương diện và đó là lý do chính phủ của ông Abe Shinzo kiên định với mục tiêu tổ chức như kế hoạch, tất nhiên bên cạnh đó là công tác phòng dịch Covid-19 được đẩy mạnh.
Bình luận (0)