Dù phải đương đầu với nhiều khó khăn do thiếu thốn các phương tiện hỗ trợ công tác đào tạo, nhưng tất cả tâm huyết và niềm đam mê bóng đá đến cháy bỏng của những người thầy, người trò ngày ấy đã kết tinh lại để hình thành một thế hệ cầu thủ làm rạng danh thể thao TP. Đó chính là các tên tuổi như Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Hồng Phẩm, Võ Hoàng Tân, Trương Văn Dưỡng, Hà Vương Ngầu Nại... thi đấu dưới màu áo các đội Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công Nghiệp. Gần ba thập kỷ đã trôi qua, TP đã có nhiều đổi thay và bóng đá ngày nay cũng không còn như thuở trước. Mái trường ngày xưa chỉ còn là dĩ vãng, nhưng trong ký ức của hàng vạn con tim hâm mộ quả bóng tròn vẫn còn nguyên vẹn những hình ảnh đẹp của thế hệ vàng này.
Nơi gặp gỡ của những mảnh đời cơ cực
Trong những tháng ngày khó khăn đó, nhiều gia đình phải chạy lo từng bữa cũng là chuyện thường tình. 15 tuổi đầu, cậu bé Võ Hoàng Tân mỗi ngày phải cùng mẹ lam lũ lo chuyện nương rẫy. Những lúc rảnh rỗi, Tân cùng người em ruột là Võ Hoàng Bửu say mê quần thảo bên trái bóng với đám trẻ trong làng. Phát hiện ra năng khiếu và niềm đam mê bóng đá ở con mình, gia đình liền đưa cậu lên dự thi vào lớp năng khiếu. Và câu chuyện đổi đời của cậu bé nghèo tại ấp An Lạc, Bình Chánh, TPHCM cũng bắt đầu từ đó.
Tuy ở nội thành, nhưng gia cảnh của Đặng Trần Chỉnh cũng không may mắn gì hơn. Cha mất sớm, mẹ con Chỉnh phải chạy vạy lo từng manh áo, miếng cơm. Nhờ có được chút ít kỹ năng chơi bóng từ hè phố, Chỉnh cũng đến gõ cửa lớp năng khiếu... như đi tìm một kế sinh nhai. Những Hà Vương Ngầu Nại, Văn Dưỡng, Phan Hữu Phát, Nguyễn Tuấn Kiệt... đều sinh ra trong cảnh nghèo khó và họ đã gặp nhau tại lớp năng khiếu ấy, nơi ươm mầm cho những ước mơ.
Tôi luyện từ gian khó
Võ Hoàng Tân, nguyên thủ quân đội Cảng Sài Gòn, nhớ lại: “Dù nhà trường lo cho ăn uống, chu cấp trang phục tập luyện chưa thật đầy đủ, nhưng so với cuộc sống lúc bấy giờ, điều đó cũng đã hạnh phúc lắm rồi! Được vào trường năng khiếu là một vinh dự rất lớn đối với chúng tôi. Do vậy, ai cũng chuyên cần tập luyện với hy vọng sớm thành tài”.Ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên HLV lớp năng khiếu đầu tiên (hiện nay là Giám đốc điều hành CLB Thép Miền Nam-Cảng Sài Gòn), cho biết những cầu thủ trẻ các khóa đào tạo đầu tiên đều thành công rạng rỡ bởi họ có động cơ chơi bóng đá rất rõ ràng và xem đó là mục tiêu để tiến thân. Thậm chí, theo ông Hiệp, ban huấn luyện thời ấy phải cấm các cầu thủ trẻ... tập thêm bởi thay vì nghỉ ngơi để hồi phục sức khoẻ, nhiều cầu thủ đã lén ra sân tập luyện một mình quên cả ăn, cả ngủ.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Đặng Trần Chỉnh - hiện là HLV CLB TMNCSG - là những lần lén đem bán những phần nhu yếu phẩm như đường, sữa để có tiền ... tậu một đôi giày bóng đá, những lần nằm nghỉ vất vưởng trên xe đò, hoặc ở một góc trường học... chờ đến giờ ra sân thi đấu.
Những buổi tập nắng cháy như đốt ở Trường đua Phú Thọ, cùng sống bên chuồng ngựa hay những buổi cơm đạm bạc... vẫn sống mãi trong tim thầy trò ngày ấy. Ông Phạm Vĩnh Viễn, Hiệu phó Trường Năng khiếu, bồi hồi nhớ lại: “ Thành quả của sự tôi luyện này là hàng loạt ngôi sao trẻ cung cấp cho các đội hạng A1 để giúp các đội này luôn giữ các thứ hạng cao tại giải vô địch quốc gia trong 2 thập niên 80 –90”.
Sau này, bóng đá TPHCM được xem như một lò đào tạo đầy uy tín khi đã giới thiệu hàng loạt tài năng trẻ như : Võ Hoàng Bửu, Trần Minh Chiến, Nguyễn Liêm Thanh, Nguyễn Chí Bảo... cho đến thế hệ của Nguyễn Ngọc Thọ, Phùng Thanh Phương, Nguyễn Phúc Nguyên Chương...
Bình luận (0)