Chỉ hơn 1 năm cầm quân, HLV Park Hang-seo đã làm thay đổi diện mạo bóng đá Việt Nam. Thành công của U23 Việt Nam tại Giải U23 châu Á 2018, Olympic Việt Nam tại Asiad 2018 và đội tuyển quốc gia tại AFF Suzuki Cup 2018 có dấu ấn đặc biệt của HLV Park Hang-seo mà ở đó không thể không nhắc tới nghệ thuật "truyền lửa" của nhà quản trị tài ba này.
Cởi bỏ áp lực "nhà binh"
Nhiều thế hệ cầu thủ bóng đá Việt Nam vốn quen thuộc với cụm từ "thiết quân luật", ám chỉ giờ giấc sinh hoạt khi lên đội tuyển rất khắt khe; muốn đi đâu, làm gì, các cầu thủ đều phải báo cáo và chỉ được thực hiện khi có sự cho phép của HLV trưởng. Cái giá của sự thiếu ý thức, chống lại "thiết quân luật" thường rất đắt nên hiếm cầu thủ nào dám vượt rào nhưng cũng vì thế tạo ra sự ức chế tâm lý.
Trái lại, dưới thời HLV Park Hang-seo, ông có quy chế quản lý khác biệt, nới lỏng tối đa "thiết quân luật". Trong suốt gần 2 tháng chuẩn bị và tham dự AFF Suzuki Cup 2018, nhà cầm quân người Hàn Quốc xả trại 9 lần, cho phép cầu thủ tự do đi chơi cùng bạn bè, gia đình hoặc làm việc riêng. Ngay cả khi các giải đấu diễn ra, trừ lúc thi đấu và tập luyện, HLV Park Hang-seo cũng cho phép các cầu thủ tự do nghỉ ngơi, ra ngoài uống cà phê cùng bạn bè hoặc giao lưu với người hâm mộ.
Chiến thắng của tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2018 in đậm dấu ấn của HLV Park Hang-seo
Tiền vệ Nguyễn Huy Hùng nói cách quản lý của thầy Park giúp cầu thủ cảm thấy thoải mái, không bị áp lực theo kiểu "ăn cơm đội tuyển, sinh hoạt nhà binh". "Ngày xả trại thì đúng 21 giờ tối, toàn đội sẽ tập trung điểm danh. Còn những ngày thi đấu và tập luyện, chúng tôi vẫn được phép ra ngoài thư giãn chứ không bắt buộc chỉ quanh quẩn trong khách sạn. Kể cả các thành viên ban huấn luyện cũng ra ngoài chứ ít khi ngồi trong phòng. Tất nhiên, anh em cầu thủ ý thức được đâu là giới hạn nên khi ra ngoài, chúng tôi thường đi thành nhóm để quản lý nhau về giờ giấc, không ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của cả đội" - Huy Hùng chia sẻ.
Khá thú vị là 3 đội tuyển dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo là U23 Việt Nam, Olympic và đội tuyển quốc gia luôn được đánh giá là "ngoan", "lành mạnh" nhất từ trước đến nay. Điều này cũng xuất phát từ việc đội tuyển trẻ hóa, nhiều cầu thủ có quản lý riêng nên ngoài thời gian ở đội, khi ra ngoài thường chỉ để chạy sô quảng cáo, gặp gỡ đối tác hoặc bạn bè thân thiết.
Gần gũi, đối xử công bằng
Theo tiền vệ Đỗ Hùng Dũng, hầu như ngày nào HLV Park Hang-seo cũng sang phòng các cầu thủ để trò chuyện, từ đó thầy trò gần gũi, hiểu nhau hơn. "Tính cách mỗi cầu thủ, cá tính của từng người đều khác nhau. Vì vậy mà cách tiếp cận của thầy Park đối với từng người cũng khác nhau. Có những cầu thủ trong đội rất ít nói, khi thầy Park vào phòng họ, ông bắt họ phải nói nhiều hơn, cởi mở hơn và có gì phải chia sẻ hết với những người xung quanh. Những cầu thủ quá sôi nổi, vui tính thì ông lại yêu cầu họ kiềm chế lại, đặc biệt là trước các trận đấu, cần sự tập trung tối đa. Với thầy Park thì mọi người đều phải được đối xử công bằng, không có chuyện phân biệt cầu thủ lớn tuổi hay ít tuổi" - Đỗ Hùng Dũng nói.
Còn theo Trọng Hoàng, hiếm có HLV ngoại nào gần gũi, coi anh em cầu thủ như con cháu trong gia đình như HLV Park Hang-seo. Trọng Hoàng bộc bạch: "Có những buổi tối, khi các bác sĩ bắt đầu sử dụng máy siêu âm để kiểm tra chấn thương, thầy Park đều vào phụ. Thậm chí, ông còn đóng luôn vai bác sĩ trị liệu và chuyên gia tâm lý, ngồi xoa bóp và trò chuyện với các cầu thủ bị đau. Nhìn thầy rất tình cảm như vậy, anh em cầu thủ ra sân đều muốn cống hiến hết mình, như để đền đáp cho thầy Park".
Với những cầu thủ lần đầu lên đội tuyển, HLV Park Hang-seo luôn có cách xóa tan bầu không khí xa lạ bằng những món quà. "Khi tôi được gọi trở lại đội tuyển để chuẩn bị cho AFF Cup 2018, thầy Park gọi cả nhóm tân binh lại, tặng cho chúng tôi một số món quà nhỏ. Chẳng hạn như hình các cầu thủ Hàn Quốc, kèm theo câu nói: "Đây là ngôi sao A, B, C của Hàn Quốc, lúc mới lên tuyển quốc gia cũng bỡ ngỡ như các cậu nhưng rồi họ mở lòng ra, hòa đồng với những cầu thủ từng trải. Sau này họ đều trở thành các ngôi sao lớn của bóng đá thế giới". Những món quà nhỏ đó đã động viên chúng tôi rất nhiều sau những bỡ ngỡ ban đầu" - thủ môn Nguyễn Tuấn Mạnh chia sẻ.
Những câu chuyện trên khắc họa nên tính cách của một Park Hang-seo, nhà quản trị tài ba mà ngay cả những doanh nhân như bầu Đức, bầu Hiển cũng phải thán phục. Nghệ thuật quản trị và cách tiếp cận, xây dựng hình ảnh đội tuyển quốc gia của ông đã tạo ra những giá trị đích thực trong hành trình tìm đến vinh quang của bóng đá nước nhà.
Làm đẹp cho học trò trước ngày cưới
Trọng Hoàng nói rằng anh rất xúc động và không bao giờ quên hình ảnh thầy Park tự tay làm đẹp cho anh trước ngày cưới. "Khi đội tuyển Việt Nam sang Hàn Quốc tập huấn trước ngày dự AFF Cup, một số người bạn của thầy Park đến tặng cho đội tuyển rất nhiều sản phẩm chăm sóc da. Trước ngày tôi xin phép bay về Việt Nam để làm đám cưới, có nhiều thông tin cho rằng tôi làm như vậy coi như hết cơ hội lên tuyển trở lại. Rồi sau đó, tôi được các bác sĩ gọi lên phòng, do không chấn thương nên đã nghĩ chắc thầy Park thông báo chia tay luôn. Không ngờ, thầy Park vào kêu tôi nằm lên ghế rồi tự tay đắp mặt nạ dưỡng da cho tôi. Ông nói về cưới vợ thì da mặt phải đẹp cho ngày vui trọn vẹn, để sau đó còn tập trung thi đấu cho đội tuyển" - Trọng Hoàng chia sẻ.
Bình luận (0)