Việc các đội bóng nam không lọt vào nổi một trận chung kết nào ở 2 đấu trường SEA Games (dành cho lứa U22) và AFF Cup (cấp độ đội tuyển) kể từ năm 2009 đã đặt ra một thực trạng mà tất cả những ai tâm huyết đều hết sức đau lòng. Song song đó, sân chơi quốc nội V-League chưa một ngày bình yên với đầy rẫy những hành vi bạo lực, vấn nạn tiêu cực từ đội bóng đến trọng tài, không thể hiện đúng mức vai trò nguồn cung cấp nhân lực cho một đội tuyển quốc gia luôn khao khát thành công.
Hội thảo "Tương lai bóng đá Việt" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 27-11, vì thế, được ghi nhận đã tạo diễn đàn cho các nhà chuyên môn, các cấp quản lý nêu phương hướng khắc phục những tồn đọng, chung tay xây dựng bóng đá Việt Nam phát triển.
Trong phần phát biểu được nhiều người chú ý, nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự khẳng định sau khoảng 20 năm, bóng đá Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn quá độ, thay vì phát triển theo lộ trình chuyên nghiệp hóa. Ngoài bóng đá nữ và các tuyến trẻ của nam gặt hái được những thành công nhất định, đội tuyển nam thường xuyên khiến người hâm mộ bị "sốc" vì sự thất thường trong lối chơi và thành tích của mình.
Chỉ ra một số vấn đề bất cập khác như VFF bỏ mặc HLV, cầu thủ đội tuyển đối mặt với dư luận sau những thất bại; VFF "ham" đổi mới nhân sự theo hướng xã hội hóa mà quên đi nền tảng chuyên môn, kiến thức chuyên ngành của nhiều vị trí quản lý trẻ; đa phần HLV, cầu thủ không chú trọng tiếp thu tiến bộ về khoa học công nghệ áp dụng vào công tác huấn luyện…, ông Hà Quang Dự đề nghị Tổng cục TDTT nên quyết tâm củng cố bộ môn bóng đá, chỉ đạo cải tổ bộ máy VFF theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa, có cơ chế tham mưu, sử dụng chất xám chuyên gia, chú trọng công tác đào tạo trẻ.
Ý kiến của vị cựu lãnh đạo ngành TDTT nhận được sự hưởng ứng của nhiều chuyên gia kỳ cựu như HLV Lê Thụy Hải, Phó Chủ tịch HĐQT VPF Phạm Ngọc Viễn hay Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam VFF Dương Vũ Lâm.
Nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự (bìa phải) đề nghị Tổng cục TDTT quyết tâm củng cố bộ môn bóng đá, chỉ đạo cải tổ bộ máy VFF theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa… Ảnh: Quang Liêm
Trong khi đó, tham luận của luật sư Trần Vũ Hải được chú ý khi đề cập tư cách pháp nhân của ứng cử viên cho chức danh chủ tịch VFF, cụ thể, từng tham gia các cấp quản lý bóng đá ít nhất 5 năm hoặc kinh qua sự nghiệp cầu thủ. Ông Trần Vũ Hải cũng đề xuất bỏ cấp Thường trực Ban Chấp hành VFF, tăng cường quyền hành của chủ tịch, giảm bớt số phó chủ tịch.
Chuyên gia luật này cũng nhấn mạnh đến vai trò cầu nối, sự hỗ trợ của các địa phương có đội bóng tham gia hệ thống thi đấu quốc gia. Ông cho biết nhiều nơi, hệ thống sân bãi không được sử dụng đúng mục đích thay vì có cơ chế giao cho đội bóng dài hạn, tạo nguồn kinh phí hoạt động. Đây cũng là điều mà chuyên gia Vũ Mạnh Hải tâm tư khi theo ông, hiện chỉ có một đội bóng ở Việt Nam hội đủ các yếu tố chuyên nghiệp theo đánh giá của AFC (bao gồm 5 tiêu chí: cơ cấu phát triển cầu thủ; đào tạo trẻ; bộ máy quản lý; pháp lý; tài chính). Tiếc là không có CLB V-League nào cử đại diện tham dự và Giải Hạng nhất chỉ có một đại biểu là lãnh đạo CLB Đồng Tháp.
Phó Chủ tịch HĐQT VPF Phạm Ngọc Viễn khẳng định làm bóng đá cần tầm nhìn dài hạn, như Nhật Bản đặt mục tiêu vô địch thế giới năm 2050, Hàn Quốc nghĩ đến cột mốc thành công năm 2038. Người Đức sau thất bại toàn diện cuối những năm 90 đã tích cực đổi mới mọi quyết sách và gặt hái thành công với chức vô địch World Cup 2016…
Bóng đá Việt Nam hiện chưa vươn đến tầm khu vực, khó có thể trông chờ "hóa rồng" trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, ước mơ một tương lai tươi sáng cho bóng đá Việt là điều mà bất cứ ai cũng trông đợi. Hội thảo cũng là một lời khẳng định nếu tất cả chịu ngồi lại cùng nhau, cùng nhìn chung hướng để giải quyết mọi bất đồng trên cơ sở quyết tâm thay đổi diện mạo làng bóng nước nhà, thành công nhất định đến dẫu có phải chờ đợi thời gian dài một vài thập kỷ. Hội thảo không phải là nơi để các nhân vật hoài cổ mà qua việc nhắc những vấp váp trong quá khứ, tồn đọng hiện tại để đề ra hướng thay đổi, khắc phục, bóng đá Việt Nam thể hiện quyết tâm hướng đến sự phát triển trong tương lai.
Cần "tòa" xử mọi vấn đề nảy sinh
Luật sư Trần Vũ Hải nhắc đến việc thành lập một trung tâm trọng tài theo Luật Trọng tài thương mại, phân xử mọi vấn đề nảy sinh trong bóng đá chuyên nghiệp như một ông chủ tài trợ nhiều đội bóng, có thể tác động không tốt đến kết quả tại một giải đấu. FIFA và UEFA quy định chặt chẽ về vấn đề này nhưng tại Việt Nam, không có những chế tài đủ để hạn chế, tiến tới ngăn cấm hoàn toàn.
Thẩm quyền của trung tâm trọng tài này được quy định ngay trong Điều lệ VFF, các cam kết gia nhập của các thành viên, các điều lệ của các thành viên VFF và trong các hợp đồng và thỏa thuận giữa doanh nghiệp bóng đá, với các cầu thủ, HLV, quan chức, quy chế ban tổ chức các giải bóng đá.
Một trung tâm trọng tài như vậy được lập ra sẽ ký với VFF một thỏa thuận về thẩm quyền và thủ tục tố tụng.
Bà Mae Mua (phải) trao đổi bên lề với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn (trái) và ông Dương Vũ Lâm, đại diện Văn phòng phía Nam VFF Ảnh: Quang Liêm
Đồng nghiệp, giới bóng đá nói gì sau hội thảo?
Qua hội thảo "Tương lai bóng đá Việt", hầu hết các báo uy tín như Pháp Luật TP HCM, Tuổi Trẻ, Thể Thao & Văn Hóa, Soha… dành nhiều bài viết mô tả đa chiều về phần tham luận cũng như đóng góp, phản biện của những người có tâm huyết với bóng đá Việt Nam. Doanh nhân gốc Singapore - bà Mae Mua, Giám đốc Công ty Tiếp thị thể thao Strata, người từng nhiều năm hoạt động ở làng bóng đá Việt Nam và được xem là nhà môi giới bóng đá đầu tiên ở V-League, phân tích: "Tham gia hội thảo, lắng nghe ý kiến của những nhà chuyên môn có thâm niên, tôi cảm thấy rất thú vị. Nhiều người nghe từ hội thảo sẽ dễ nhầm lẫn là từ đó sẽ làm thay đổi cả nền bóng đá Việt Nam, bắt đầu từ VFF, VPF nhưng với những người thực tế, chúng tôi hiểu nếu gói gọn trong khoảng hơn 3 giờ thì rất khó để cho ra nhiều vấn đề. Điều quan trọng nhất, hội thảo giống như việc đặt một viên gạch đầu tiên cho một cuộc thay đổi lớn mà nếu có tâm huyết, tất cả sẽ chung tay vì tương lai bóng đá nước nhà".
Theo nhà báo Tấn Phước của Báo Pháp Luật TP HCM, bên cạnh những góc cạnh được đề cập, những cuộc nói chuyện bên lề hội thảo với các diễn giả như HLV Lê Thụy Hải, Phó Chủ tịch HĐQT VPF Phạm Ngọc Viễn... đã giúp giới truyền thông nhìn rõ thêm về những vấn đề tồn tại mà VFF cần khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
A.Dũng ghi
Bình luận (0)