World Cup 2022 đã cận kề và càng gần đến những ngày hội lớn của bóng đá, người hâm mộ trên toàn thế giới lại có dịp hồi tưởng về những huyền thoại như Pele, Diego Maradona, Zinedine Zidane hay Ronaldo Nazario khi tầm ảnh hưởng của họ đối với làng túc cầu là vô cùng quan trọng.
World Cup cũng không chỉ có ánh hào quang của những nhân vật đặc biệt này bởi rất nhiều câu chuyện đầy cảm hứng đã được viết nên bởi những người hùng thầm lặng mà tám danh thủ được kể sau đây đã từng làm rạng danh màu cờ sắc áo quê hương họ ở đấu trường lớn nhất hành tinh.
Fabio Grosso (Ý)
Chiến tích vô địch thế giới năm 2006 của tuyển Ý có sự đóng góp không nhỏ của Fabio Grosso, người được HLV Marcello Lippi tin cậy trao trấn giữ hành lang cánh trái trong đội hình đoàn quân áo Thiên thanh năm ấy. Chính Grosso mang về một quả phạt đền ở cuối trận trước tuyển Úc mà Francesco Totti thực hiện thành công để đưa người Ý vào tứ kết.
Sau đó, Grosso ghi bàn ở phút 119 bằng cú cứa lòng, ấn định chiến thắng trước tuyển Đức trong trận bán kết mà đôi bên phải kéo nhau vào hiệp phụ. Grosso tiếp tục ghi bàn thắng quyết định trong loạt sút luân lưu cuối cùng với Pháp ở chung kết, giúp tuyển Ý lần thứ tư nâng cao chiếc cúp vô địch thế giới.
Cả nước Ý ghi nhận công lao của Grosso và khi đội tuyển về nước, chàng hậu vệ này được trao tặng Huân chương Công trạng, giải thưởng cao quý nhất của Cộng hòa Ý. Grosso tiếp tục chơi bóng cho Inter Milan, Lyon và Juventus trước khi treo giày giải nghệ vào năm 2012. Năm nay 44 tuổi, ông là HLV của đội bóng Frosinone thi đấu ở Serie B
Tim Krul (Hà Lan)
Hà Lan gặp Costa Rica ở tứ kết World Cup 2014 và khi trận đấu bước vào phút cuối cùng của hiệp phụ, HLV Louis van Gaal quyết định thay Jasper Cillessen bằng thủ môn dự bị Tim Krul để sẵn sàng cho loạt sút luân lưu. Chính Tim Krul đã cản phá được hai quả phạt đền, đưa Hà Lan vào bán kết, trở thành thủ môn duy nhất từng được tung vào sân chỉ để bắt các loạt sút luân lưu ở World Cup.
Chỉ tiếc là ở bán kết gặp Argentina, trận đấu lại phải được giải quyết bằng loạt đá luân lưu nhưng lần này, HLV Van Gaal lại không dám đặt cược vào khả năng của Tim Krul. Thủ môn Jasper Cillessen được giữ lại và không cản được bất cứ cú sút nào của các cầu thủ Argentina, khiến Hà Lan lỡ cơ may giành quyền vào chơi trận chung kết.
Năm nay 34 tuổi, Krul đã có một sự nghiệp khá thành công ở Anh với Newcastle và hiện tại với Norwich City ở giải Hạng nhất.
Paolo Rossi (Ý)
Không phải là mẫu tiền đạo tiêu biểu nhưng tên tuổi Paolo Rossi mãi mãi đi vào lịch sử nhờ màn trình diễn siêu đẳng tại World Cup 1982. Bắt đầu bằng việc ghi một hat-trick vào lưới Brazil giúp tuyển Ý giành chiến thắng 3- 2 ở tứ kết, Paolo Rossi tiếp tục ghi cả hai bàn trong chiến thắng 2-0 trước Ba Lan ở bán kết rồi mở tỉ số trong trận chung kết gặp tuyển Đức. Ý thắng chung cuộc 3-1 và lên ngôi vô địch còn Paolo Rossi giành luôn danh hiệu "Vua phá lưới" với phần thưởng là "Chiếc giày vàng".
Rossi từng ghi 3 bàn cho tuyển Ý tại World Cup 1978 nhưng hai năm sau, anh vướng vào bê bối dàn xếp tỉ số khi thi đấu cho Perugia và bị cấm thi đấu 3 năm. Bản án được rút ngắn còn hai năm và Juventus quyết định ký hợp đồng với Rossi, một động thái bị chỉ trích mạnh mẽ tương tự phản ứng của dư luận Ý khi anh được HLV Enzo Bearzot gọi vào đội tuyển do thể lực không đảm bảo cũng như tư cách có "vấn đề".
Rossi từ giã sự nghiệp bóng đá vào năm 1987 và trở thành một bình luận viên truyền hình bên cạnh việc kinh doanh bất động sản. Ông qua đời vào tháng 12-2020 do căn bệnh ung thư phổi.
Oleg Salenko (Nga)
Một cầu thủ gần như "vô danh" không ai dám dự báo sẽ thi đấu thành công, huống hồ còn tỏa sáng theo cách khó tin nhất để trở thành "Vua phá lưới" của một kỳ World Cup, đó chính là câu chuyện mang sắc màu cổ tích mà tiền đạo người Nga Oleg Salenko tự tay viết nên tại World Cup 1994 trên đất Mỹ.
Cựu tiền đạo của Valencia và Rangers chỉ chơi tám trận cho tuyển Nga trong suốt sự nghiệp, ghi được 6 bàn thắng mà năm trong số này được thực hiện chỉ trong một trận đấu với Cameroon ở vòng bảng World Cup 1994. Nga giành chiến thắng 6-1 còn Salenko lập kỷ lục "cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong một trận đấu" ở World Cup.
Salenko trước đó đã có một bàn thắng trong trận Nga thua 1-3 trước Thụy Điển và đội bóng xứ sở Bạch dương dừng bước ở vòng bảng. Chỉ thi đấu ba trận, Salenko vẫn kết thúc giải đấu với tư cách Vua phá lưới nhờ 6 bàn thắng ghi được, là cầu thủ duy nhất trong lịch sử World Cup giành danh hiệu này dù đội bóng của anh bị loại ở vòng bảng.
Sau khi nghỉ hưu vào năm 2001, Salenko chuyển sang công tác huấn luyện và làm việc với đội tuyển bóng đá bãi biển Ukraine vào năm 2003. Hiện 53 tuổi, Salenko rời bỏ thể thao để tập trung vào các dự án kinh doanh của mình.
Josimar (Brazil)
Hậu vệ phải Josimar là gương mặt mới toanh của "Seleção", được triệu tập tham dự World Cup 1986 và chỉ được HLV Tele Santana tung ra sân lần đầu tiên ở trận cuối vòng bảng gặp Bắc Ireland do người đảm nhiệm vị trí này là Édson bị chấn thương.
Ngay ở màn chào sân này, Josimar đã có pha ghi bàn đẳng cấp khiến thủ môn kỳ cựu Pat Jennings của Bắc Ireland bất lực. Brazil thắng 3-0. Thừa thắng xông lên, chàng hậu vệ này tiếp tục có bàn thắng trong trận đấu tiếp theo giúp Brazil hạ Ba Lan 4-0 và giành vé vào tứ kết. Tại đây, "Seleção" thua ở loạt luân lưu trước tuyển Pháp của Michel Platini, Manuel Amoros, Jean Tigana…
Josimar (13) trong đội hình tuyển Brazil ở World Cup 1986
Josimar chơi cho Botafogo đến năm 1988 trước khi chuyển đến Sevilla ở La Liga Tây Ban Nha. Sau đó, anh quay về quê nhà Brazil, chơi cho các đội bóng giải hạng dưới cho đến khi nghỉ hưu năm 1997. Hiện 61 tuổi, ông là trợ lý huấn luyện viên tại CLB Botafogo.
Diego Forlan (Uruguay)
Tiền đạo Diego Forlán được nhớ đến với màn trình diễn xuất sắc tại World Cup 2010 ở Nam Phi, giúp tuyển Uruguay lọt vào bán kết lần đầu tiên sau 40 năm. Thành công này một phần nhờ vào việc Forlan sớm làm quen cùng quả bóng Jabulani năm đó gây rất nhiều tranh cãi trong giới cầu thủ vì nhẹ và quỹ đạo bay khó lường. "Bí quyết" của Forlán khá đơn giản: Yêu cầu Adidas trao một quả bóng Jabulani từ ba tháng trước World Cup để luyện tập và thực hiện các quả đá phạt!
Sự chuẩn bị của Forlan đã được đền đáp khi anh ghi 5 bàn vào lưới Nam Phi, Ghana, Hà Lan và Đức. Cựu cầu thủ của Atlético Madrid và Man United đã đoạt giải "Vua phá lưới", được trao Quả bóng vàng với tư cách là cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu.
Forlán tiếp tục thi đấu cho đến năm 2018 trước khi giải nghệ tại câu lạc bộ Hồng Kông Kitchee. Năm nay 43 tuổi, gần đây nhất ông dẫn dắt đội bóng của Uruguay là Atenas.
Roger Milla (Camroon)
Roger Milla được coi là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá châu Phi. Bốn bàn thắng của tiền đạo đã 38 tuổi tại World Cup 1990 đã giúp tuyển Cameroon lọt vào tứ kết, thành tích tốt nhất mà một đội bóng châu Phi đạt được tại một kỳ World Cup.
Milla sau đó cũng góp mặt tại World Cup 1994 và ở tuổi 42, ông thiết lập kỷ lục "Cầu thủ lớn tuổi nhất ghi bàn tại World Cup" với bàn thắng vào lưới tuyển Nga. Chính ở trận đấu này, Oleg Salenko ghi 5 bàn – một kỷ lục khác của World Cup - để giúp Nga đánh bại Cameroon 6-1.
Milla từ giã sự nghiệp bóng đá vào năm 1996 và dẫn dắt CLB Tonnerre của Cameroon từ năm 2007 đến 2011. Năm nay 70 tuổi, Roger Milla hiện là đại sứ của nhiều tổ chức của châu Phi, tham gia thúc đẩy các vấn đề môi trường ở lục địa này cũng như cộng tác với các nhóm như Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên.
Just Fontaine (Pháp)
Được biết đến với khả năng dứt điểm tốt bằng cả hai chân, Just Fontaine có 5 lần khoác áo tuyển Pháp trước khi được triệu tập tham dự World Cup 1958 tại Thụy Điển. Ông ghi bàn trong cả 6 trận đấu tại vòng chung kết và Pháp xếp hạng ba chung cuộc sau khi đánh bại tuyển Tây Đức 6-3 với bốn bàn của Fontaine. Tiền đạo này trước đó đã lập hat-trick vào lưới Paraguay, một cú đúp vào lưới Nam Tư và Bắc Ireland, 1 bàn vào lưới Brazil và Scotland.
13 bàn thắng của Just Fontaine vẫn tồn tại với tư cách kỷ lục về tổng số bàn thắng mà một cầu thủ ghi được tại một vòng chung kết World Cup. Người tiếp cận kỷ lục của Fontaine là Ronaldo Nazario vào năm 2002 với 8 bàn trên đất Hàn-Nhật, đưa Brazil nâng cao chiếc cúp vô địch thế giới lần thứ năm.
Sự nghiệp của Fontaine bị gián đoạn bởi chấn thương đầu gối khiến ông phải giải nghệ ở tuổi 28. Ông chuyển sang công tác huấn luyện và từng dẫn dắt tuyển Pháp, CLB Paris Saint-Germain và tuyển Morocco. Fontaine hiện nay đã 89 tuổi, đồng sáng lập Liên đoàn Các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp quốc gia - tổ chức công đoàn chính dành cho các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ở Pháp - vào năm 1961 cùng với cựu cầu thủ Eugène N'Jo Léa.
Bình luận (0)