Mặc dù nhiều quốc gia Hồi giáo đã có bóng đá nữ mà Iran là một trong những đội tuyển hùng mạnh nhất vùng Trung Đông với thứ hạng 70 thế giới, chuyện phụ nữ Iran đi xem các trận bóng đá của nam giới lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Tuyển nữ Iran thi đấu với Việt Nam ở vòng loại Asian Cup 2018
Khi World Cup 2018 diễn ra ở Nga, nhiều phụ nữ Iran đã vào xem các trận đấu của đội tuyển nam nước này đồng thời giương cao các biểu ngữ với thông điệp "Hãy cho phụ nữ vào xem bóng đá nam ở Iran". Tưởng chừng đây chỉ là một trong những hoạt động "đòi bình đẳng" thường thấy nơi người dân các quốc gia phải sống chung với nhiều quy định Hồi giáo ngặt nghèo, trong trường hợp này là Iran, nhưng hành động quyên sinh của cô Sahar Khodayari cuối tuần trước như hồi chuông cảnh tỉnh mọi người có lương tri trên toàn thế giới.
Sahar Khodayari và trận bóng định mệnh khiến cô phải từ bỏ cuộc sống
Là CĐV cuồng nhiệt của Esteghlal, một đội bóng rất mạnh tại Iran và châu Á, Sahar Khodayari hồi tháng 3 đã cải trang nam giới để vào sân xem đội bóng này tranh tài. Chẳng may cô bị phát hiện qua một tấm ảnh chụp trên sân và đương nhiên bị xem là vi phạm luật pháp Iran, vốn cấm phụ nữ nước này có mặt ở các sân bóng có nam giới thi đấu. Đối mặt với khả năng phải nhận án tù giam 6 tháng, Sahar Khodayari đã quyết định tẩm xăng tự thiêu bên ngoài tòa án.
Tháng 6-2018, phụ nữ Iran lần đầu được phép đến sân bóng với số lượng hạn chế
Cái chết của CĐV có biệt danh "Cô gái màu xanh" (màu trang phục thi đấu của CLB Esteghlal) đã làm rúng động cả thế giới Hồi giáo. Nhiều nhân vật nổi tiếng, các cầu thủ bóng đá cũng như những nhà hoạt động nhân quyền tại Iran và trên thế giới đã lên tiếng kêu gọi tẩy chay các đội tuyển Iran, thậm chí đề nghị cấm bóng đá Iran tham gia các giải đấu quốc tế chính thức. Nhà hoạt động âm nhạc lưu vong Arash Sobhani còn yêu cầu người đứng đầu FIFA là chủ tịch Gianni Infantino phải có ý kiến chính thức về vấn đề kỳ thị này.
Thế giới lên tiếng về lệnh cấm phụ nữ Iran cổ vũ bóng đá
Iran cấm phụ nữ xuất hiện tại các sân bóng đá có các đội nam thi đấu và điều luật trái khoáy này được ban hành kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979. Phụ nữ ngoại quốc sinh sống và làm việc ở Iran không chịu sự kiểm soát của luật này nhưng họ cũng chỉ được đến sân bóng đá nam với số lượng cực kỳ hạn chế từng trận.
FIFA từng gây sức ép buộc chính quyền Iran cho phép khán giả nữ vào xem các trận đấu bóng đá thời hạn chót để thực hiện yêu cầu này vào ngày 31-8 vừa qua. Một đoàn kiểm tra của FIFA bao gồm 3 đại diện của Tiểu ban thi đấu và Tiểu ban an ninh sẽ đến Iran trong tuần tới để đánh giá việc chuẩn bị cho công tác tổ chức trận đấu trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 vào ngày 10-10 tới giữa tuyển chủ nhà Iran và đội tuyển Cambodia ở lượt trận thứ ba bảng C, khu vực châu Á. Phủ nhận việc đoàn kiểm tra này đến Iran chủ yếu vì vụ việc bi thảm liên quan đến Sahar Khodayari nhưng một phát ngôn viên FIFA cho hay, đoàn sẽ xem xét và đánh giá "khả năng cho phép khán giả nữ vào sân bóng" từ phía Iran. Vị này cũng cho biết thêm, chính chủ tịch Gianni Infantino nhiều lần đã khuyến cáo chính quyền Iran cần xây dựng lộ trình cho phép phụ nữ nước này được tự do mua vé và vào sân bóng an toàn như mọi công dân nam giới khác.
Truyền thông thế giới phản ánh nhiều nhưng Iran chưa thay đổi luật
Chánh văn phòng Phủ tổng thống Iran Mahmoud Vaezi phát biểu trên truyền hình quốc gia, rằng phụ nữ Iran sẽ được phép đến sân một khi bầu không khí tại đây không bị ô nhiễm bởi thứ ngôn ngữ thô tục và các hành vi bạo lực. Chính phủ Iran cũng sẽ yêu cầu Bộ Thể thao làm việc với các nhóm CĐV để cải thiện tình hình trên khán đài, tiến tới dành riêng các khu vực đặc biệt cho khán giả nữ.
Quyền bình đẳng hướng thụ các giá trị văn hóa là điều còn xa vời với phụ nữ Iran
Không phải khán giả nữ không thể xuất hiện tại các sân bóng tại Iran. Một nhóm CĐV nữ hơn 1.000 người đã được cho phép tham dự trận đấu chung kết lượt về AFC Champions League tại Tehran tháng 11-2018 giữa Persepolis và Kashima Antlers. Tất nhiên, họ chỉ có mặt khi chủ tịch FIFA Gianni Infantino được mời dự khán trận cầu này cũng như áp lực từ nhóm cầu thủ trụ cột của đội tuyển nam Iran, đứng đầu là HLV trưởng Carlos Queiroz. Khi đội tuyển Iran đá giao hữu với Syria hồi tháng 6 năm nay, khán giả nữ thậm chí không được phép bén mảng tới khuôn viên sân Azadi khi lực lượng an ninh vây chặt khu vực xung quanh sân bóng!
Bình luận (0)