xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ông Tư lận đận

Đình Xê

Người ta gọi ông là “chàng lãng tử”. Ông không thích từ này nhưng ngẫm lại, nghiệp dĩ và tình yêu sân cỏ đã dành cho ông lắm hạnh phúc lẫn đắng cay.

 Danh tiếng:  Trưởng thành từ sân bãi phố phường, Vũ Văn Tư là thành viên của bộ tứ tấn công nổi tiếng đội Cảng Hải Phòng gồm: Túc gù, Tư, Dịp, Việt hói. Trong những năm 60-70, bộ tứ này được tiếng chơi ăn ý, sắc sảo.

Có một quán rượu nhỏ trên phố Hùng Vương - Đà Nẵng mà Vũ Văn Tư  vẫn hay ngồi. Phố đông nhưng quán lẫn vào phía sau hè nhà với dăm chiếc bàn nhỏ cùng mớ ghế gỗ lè tè. Gỡ chiếc mũ vải ra khỏi đầu, ông chọn một góc khuất, ngồi day lưng ra phía phố xá ồn ả ngoài kia. Bà chủ già biết ý khách quen, thoáng chốc đã mang ra một xị đế Đá Bạc, vài hột vịt muối, đĩa tôm khô củ kiệu. Đó là hình ảnh dễ gặp nơi Vũ Văn Tư vào đầu những năm 1990, lúc ông về nắm đội Quảng Nam - Đà Nẵng (QNĐN), đưa đội bóng này từ một tân binh ở hạng đội mạnh trở thành á quân giải VĐQG. Lẩn tránh đám đông - dù là đám đông ngưỡng mộ - chuộng cảnh tĩnh lặng, ông thích chọn cho mình những góc khuất lặng lẽ để ngẫm nghĩ về đời, về nghề.

Bước ngoặt.- Có thể vì thế mà cuộc đời và sự nghiệp “người lính già”  này - ông thường tự nhận mình như thế - luôn diễn ra những mâu thuẫn, lắm lúc dẫn đến nhiều bi kịch. Là người của đám đông song ông ngại chỗ đông người, công việc đòi hỏi sự hoạt bát, năng động với khả năng giao tiếp rộng, song ông lại thích một mình trầm tư vào những giờ rảnh rỗi. “Tính  mình nó vậy, biết sao bây giờ. Biết là không hay đấy nhưng sao khó chữa quá...”. Lời ông chân tình, bộc trực. Nhưng bao nhiêu người - nhất là những cộng sự và đối tác - cảm thông!

Bước ngoặt kịch tính nhất đối với Vũ Văn Tư là khi ông chia tay một đội bóng ở Tây Nguyên về dẫn dắt đội bóng xứ Quảng. Vinh quang thật nhiều song cay đắng cũng chẳng ít. Tiếp nhận từ tay người tiền nhiệm Lê Đình Chính một lớp cầu thủ triển vọng vừa trải qua cuộc trường chinh gian khó ở hạng A1 để đặt chân vào hàng đội mạnh, ông thổi vào lớp học trò mới chất tài hoa, ngẫu hứng cùng lối chơi hướng đến hiệu quả. Có người chê đội QNĐN lúc ấy quá thiên về sức mạnh với những đường lật cánh đánh đầu đơn điệu nhưng không ai phủ nhận chỗ đứng sáng giá của những Phan Công Thìn, Trần Minh Toàn, Lê Văn Sinh, Trương Văn Lợi trong mặt bằng bóng đá lúc bấy giờ. Những học trò xuất sắc này của Vũ Văn Tư đã cùng với đội Hải Quan làm nên một trận chung kết tưng bừng của bóng đá đỉnh cao VN trên sân Thống Nhất năm 1991. Chức vô địch thuộc về Hải Quan nhưng chính QNĐN  lại đóng góp cho đội tuyển quốc gia bấy giờ nhiều tuyển thủ nhất (6 người). Vũ Văn Tư được chọn làm HLV trưởng đội tuyển VN chuẩn bị SEA Games. Vào thời ấy, đó là sự tiến cử không tranh cãi. Bàn tay dẫn dắt lão luyện của ông Tư - qua hình ảnh đội á quân VN - đã thuyết phục mọi người.

Nhưng đó cũng là khúc  quanh định mệnh đối với ông Tư. Lạc lõng, cô độc ở trung tâm Nhổn, ông bị nghi ngờ là người kích động sự cố 11 tuyển thủ tự ý bỏ đội tuyển trở về địa phương (6 cầu thủ QNĐN và 5 cầu thủ Hải Quan). Thêm vào đó là những lời đàm tiếu ông không biết huấn luyện bằng giáo án. Đương kim HLV trưởng đành phải nhường  quyền cho người phó của mình lúc ấy là Nguyễn Sỹ Hiển. Ông Tư trở thành chiếc bóng âm thầm, nhạt nhẽo trong hành trình đội tuyển VN đến với SEA Games.

Lãnh đạo không tin, học trò lạnh nhạt, Vũ Văn Tư trải qua những tháng ngày cay đắng. Chiếc ghế ở đội QNĐN thôi dành cho mình, ngày ngày ông lầm lũi đi về trong căn nhà nhỏ ở khuôn viên sân vận động Chi Lăng.

Ra đi và trở về.- Không đầu hàng số phận - ông vẫn tự nhận đây là tính cách của mình, Vũ Văn Tư lại khăn gói lên đường. Nơi đến mới của ông là đội Phú Khánh (Khánh Hòa ngày nay). Nhưng sự mặn nồng chỉ diễn ra trong thoáng chốc. Ông lại gặp trở ngại từ chính nội bộ đội bóng và lại khăn gói ra đi. Đến và đi, gầy dựng rồi làm lại, cái vòng luân chuyển ấy tiếp tục quấy rầy con người khắc khổ đã qua tuổi 65. Từ QNĐN đến Khánh Hòa, Phú Yên,  Gia Lai, Bình Dương, Long An, Cần Thơ..., có lẽ Vũ Văn Tư là HLV VN giữ kỷ lục về số lượng các đội mà mình từng dẫn dắt. Như người đi câu buông cần ở khúc sông lặng, ông tự nhận mình không đủ sức cầm cự dài lâu ở nơi sóng dữ. Vả lại, cũng chẳng ai mạnh dạn bỏ vốn giúp ông đóng tàu ra khơi tìm những mẻ cá lớn dù vẫn biết tài năng sông nước của ông.

Nhưng dù ông đã thủ phận, nghiệp dĩ vẫn chưa thôi khắc nghiệt. Đầu tháng 3 rồi, giữa lúc tảo tần chạy vạy tính chuyện tăng cường sức mạnh cho đội hạng nhất Cần Thơ, ông lại bị lãnh đạo đội này thông báo  tạm dừng công việc để thay bằng HLV  mới. Người ta  bảo Vũ Văn Tư không còn đủ sức lực nhưng ông thì hiểu rõ vì sao một lần nữa mình lại bị chối từ.

Làm bóng đá VN bây giờ, ngoài tài năng, bản lĩnh, còn phải có thời, phải ngó trước dòm sau, phải biết đối ngoại lịch lãm. Ai đó từng đúc kết như vậy. Nhiều học trò cũ của ông Tư hiện đang nắm cả đội bóng lớn bề thế, thu nhập hậu hĩ dường như cũng hành động theo phương châm này để tồn tại. Ở Nha Trang, có lần ông bị một kẻ lạ đâm vào lưng đến thương tích; ở Đà Nẵng,  nhiều học trò cũ không muốn nhìn mặt ông. Có nhiều lý do khiến ông bị đối xử buồn bã như vậy. Và hình như ông đã kịp nhận ra điều cơ bản nhất.

Bây giờ, ông Tư lại về Đà Nẵng. Lòng đam mê sân cỏ chưa cạn kiệt nhưng,  như ông nói, ông muốn nghỉ chân để nhìn ngắm lại mình. Có thể ông muốn tìm lại góc khuất trong quán rượu cũ của 10 năm trước. Nhưng buồn cho ông. Quán cũ chẳng còn. Phố xá Đà Nẵng đổi thay nhiều quá. Cái góc lặng xưa dành cho ông suy gẫm về nghiệp dĩ đã biến đâu rồi...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo