Sinh ngày 14-2-1942, Phạm Huỳnh Tam Lang là biểu tượng của bóng đá miền Nam thời nước nhà chưa thống nhất, từng được đánh giá là một trong những trung vệ tài hoa của bóng đá Việt Nam và châu Á của những năm 1970. Hơn 20 năm gắn bó với nghiệp cầu thủ, sau khi giải nghệ, ông được cử theo học khóa HLV tại CHDC Đức rồi về dẫn dắt đội Cảng Sài Gòn giai đoạn 1983 - 2003, cùng đội bóng tên tuổi hàng đầu miền Nam này giành 4 chức vô địch quốc gia, 2 Cúp Quốc gia và một số danh hiệu khác. Ngoài ra, trong những năm 1997-2001, ông cũng được cử làm trợ lý cho các HLV trưởng đội tuyển quốc gia như Collin Murphy, Alfred Riedl và Dido.
Năm 1960, tức mới 18 tuổi, Tam Lang được triệu tập vào đội tuyển miền Nam tham gia các giải đấu quốc tế như SEAP Games, Á vận hội và một số sự kiện khác. Thành công nhất trong giai đọan này chính là Merdeka Cup 1966 khi đội tuyển miền Nam Việt Nam giành được chức vô địch, cùng với những tấm HCB, HCĐ SEAP Games (tiền thân của SEA Games sau này).
Trung vệ Tam Lang trong màu áo CSQG (miền Nam - trước 1975) - Ảnh: T.L
Hai chứng nhân của lịch sử - đội trưởng hai đội bóng Việt Nam
vô địch Merdeka Cup 1966 (Tam Lang) và 2008 (Mai Xuân Hợp)
Quê ở Gò Công (Tiền Giang), sinh năm Ngọ nên ông luôn cho rằng cuộc đời mình là cả một chuyến đi dài không ngưng nghỉ, cho đến hết quãng đường mà ông tự nguyện bước chân vào. Sau lần chia tay với Cảng Sài Gòn tháng 9-2003, ông rời bóng đá đỉnh cao, lui về làm bóng đá trẻ ở Thành Long rồi lại quay về với nghiệp cầm quân ở CLB TP.HCM. Sau hai mùa, cho đến khi lâm bệnh, ông mới mới nhận ra niềm đam mê quá vô hạn của mình, khó dứt ra khỏi bóng đá, nhất là ở lĩnh vực đào tạo trẻ để rồi lại nhận lời làm cố vấn cho Trung tâm đào tạo trẻ Scavi-Rocheteau. Trung tâm này sau đó hoạt động không hiệu quả, Tam Lang trở về với cuộc sống thường nhật của một ông lão sắp bước sang tuổi 70 nhiều bệnh tật, lắm nỗi muộn phiền trong cuộc sống. Vài cuộc họp mặt sau này nhân các trận giao hữu giữa Cựu tuyển thủ Thái Lan và Cựu tuyển thủ TP HCM, hay các giải đấu dành cho các cựu tuyển thủ Hải Quan, Sở Công Nghiệp, Cảng Sài Gòn và CA TP HCM, người ta vẫn thấy ông ốm yếu, đi lại phải có người dìu nhưng luôn có mặt trên khán đài sân Thống Nhất, luôn nở nụ cười với tất cả người hâm mộ. Cách đây vài tháng, Hội cựu cầu thủ TP HCM tổ chức thi đấu giao hữu nhằm quyên góp hỗ trợ Phạm Huỳnh Tam Lang chữa bệnh nhưng ông không sống thêm được bao lâu trong sự tương trợ của đồng nghiệp, của các lớp cầu thủ thế hệ con, cháu, của người hâm mộ.
Thời trẻ, là một cầu thủ nổi tiếng, Tam Lang còn được nhiều người biết đến khi từng lập gia đình với nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết. Sau này, mỗi người đều có gia đình riêng và vẫn xem nhau như những người bạn tốt. Từng đeo lon hạ sĩ cảnh sát chế độ cũ thế nhưng Tam Lang cũng là một trong những HLV thể thao được kết nạp Đảng sau ngày đất nước thống nhất, ghi nhận sự tận tụy của ông trong công việc, cuộc sống dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
Nhận hoa chúc mừng từ đồng nghiệp, cựu danh thủ miền Nam Hồ Thanh Cang nhân sinh nhật thứ 72 (14-2-2014)
Ông là một trong những người tham gia thành lập Hội cựu cầu thủ TP HCM, kêu gọi các cựu cầu thủ duy trì tập luyện để giữ sức khỏe đồng thời truyền lại niềm đam mê cho thế hệ trẻ mà bản thân ông là một tấm gương lớn. Để rồi hôm nay, những bạn bè, đồng nghiệp đồng trang lứa cũng như các thế hệ cầu thủ tuổi em, tuổi cháu đến chia tay ông, một tượng đài của bóng đá Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX.
Bình luận (0)