Thi đấu đơn môn không thành công tại Giải Vô địch thế giới 2015, cả Phước Hưng lẫn Hà Thanh chỉ còn biết trông đợi vào Giải tiền Olympic để hy vọng giành quyền tham dự chính thức tại đấu trường Thế vận hội.
Phước Hưng sau khi thi đấu thành công ở giải tiền Olympic
Với 32 VĐV nam cùng tranh tài để lấy 23 suất, Phạm Phước Hưng phải thi toàn năng ở 6 nội dung trong tình cảnh chấn thương lưng tái phát. Tuy nhiên, kết quả đạt được vượt quá sự mong đợi: Phước Hưng đạt tổng điểm 84,032 cho phần thi của mình, xếp hạng 16/32. Đây là lần thứ hai, Phạm Phước Hưng có vinh dự đại diện cho TDDC Việt Nam tham dự một kỳ Olympic sau khi từng góp mặt tại London 2012.
Giấc mơ đến Rio 2016 đã thành hiện thực với Phước Hưng và TDDC Việt Nam
Không đầy 24 giờ sau, đồng đội của Phước Hưng là Phan Thị Hà Thanh cũng hoàn thành bài thi nội dung toàn năng nữ, chính thức giành vé tham dự Thế vận hội 2016. Phần thi của các VĐV nữ gồm 4 nội dung và Hà Thanh chỉ đạt 11,600 điểm ở môn xà lệch vốn không phải môn sở trường của cô.
Phan Thị Hà Thanh trong phần thi của mình
Ở nội dung thế mạnh cầu thăng bằng, do chưa hoàn toàn hồi phục chấn thương đầu gối nên Hà Thanh không thể phô diễn trọn vẹn về kỹ thuật, nhất là phần tiếp đất. Cô nhận được 13,800 điểm cho phần thi này. Hai nội dung còn lại là nhảy chống và bài thi tự do, Hà Thanh nhận lần lượt số điểm 14,300 và 13,000 điểm, đạt tổng điểm cho phần thi là 52,700 điểm.
Tranh tài nội dung cầu thăng bằng
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam đã có 14 tấm vé đến Olympic gồm: Nguyễn Như Hoa, Vũ Thành An, Nguyễn Thị Lệ Dung (đấu kiếm); Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường (bắn súng); Nguyễn Thị Lụa, Vũ Thị Hằng (vật); Nguyễn Thành Ngưng (điền kinh); Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn, Nguyễn Trần Anh Tuấn (hoặc Hoàng Tấn Tài, cử tạ); Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) và Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh (thế dục dụng cụ).
Bình luận (0)