Năm 2010, tại phiên họp Đại hội đồng được tổ chức ở Nam Phi, 22 ủy viên Ban Chấp hành FIFA đã bỏ phiếu chọn 2 quốc gia đăng cai World Cup 2018 và 2022. Nga vượt qua Anh để trở thành chủ nhà World Cup 2018, trong khi Qatar vượt qua đối thủ nặng ký Mỹ để được trao quyền đứng ra tổ chức kỳ World Cup sau đó 4 năm.
Đời không như mơ
Mức độ giàu có của quốc gia dầu mỏ Qatar không cần phải bàn và khoản ngân sách khổng lồ lên đến 132 tỉ bảng Anh được chính phủ nước này duyệt chi cho công tác đăng cai World Cup 2022 hứa hẹn hoành tráng.
Việc bị "hạ knock-out" tại đích đến khiến Mỹ và Anh không cam lòng. Anh sử dụng sức mạnh của truyền thông để phát động một cuộc chiến tổng lực trên các mặt báo chống lại FIFA mà "lớn tiếng" nhất là Sunday Times với nhiều hồ sơ nặng ký. Về phần mình, Mỹ thông qua FBI và hệ thống luật pháp bao trùm để tiến hành điều tra 9 quan chức FIFA và 5 cá nhân khác có mối quan hệ làm ăn với các tổ chức này mà dùng hệ thống ngân hàng Mỹ hoặc có trụ sở công ty đối tác tại Mỹ để trả đũa.
Không chỉ FIFA là mục tiêu tấn công, Qatar phải gồng mình chống đỡ những đợt phản kích lâu dài. Trong quá trình xây dựng các công trình phục vụ World Cup 2022, số công nhân bị thiệt mạng rất lớn trong điều kiện lao động thiếu an toàn đã làm dấy lên những chỉ trích kịch liệt từ dư luận quốc tế. Về chính trị, từ năm 2017, Qatar đã bị nhiều quốc gia khối Ả Rập cắt đứt quan hệ ngoại giao, đồng thời áp dụng lệnh cấm vận kinh tế do nghi ngờ nước này có quan hệ mật thiết với Iran và trợ giúp cho các tổ chức khủng bố.
Việc cựu chủ tịch UEFA Michel Platini mới đây bị cảnh sát Pháp tạm giữ và thẩm vấn đã phần nào làm rõ số tiền 17,2 tỉ bảng mà Qatar dùng để đánh đổi 4 lá phiếu từ châu Âu. Cộng thêm rất nhiều trường hợp nhận hối lộ dưới các hình thức khác nhau lần lượt bị đưa ra ánh sáng từ trước đến nay, dư luận dễ dàng đi đến kết luận rằng không nên để cho Qatar tổ chức World Cup 2022, bất chấp quỹ thời gian chỉ còn hơn 3 năm và không phải dễ dàng chọn lựa quốc gia đăng cai thay thế.
Sân vận động Lusail có sức chứa 80.000 chỗ, một trong những sân tổ chức World Cup 2022. Ảnh: REUTERS
Ai nhận hối lộ?
Nhật báo Sunday Times (Anh) số phát hành ngày 10-3-2019 đã có bài viết về một thỏa thuận ngầm được ký giữa ông Blatter và kênh truyền hình Al Jazeera (Qatar) ngay trước thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu tháng 12-2010. Bản thỏa thuận được cho là có giá trị khoảng 315 triệu bảng xoay quanh việc mua bản quyền truyền hình World Cup 2022, nhưng sau này, 78 triệu bảng được hô biến thành "tiền thưởng" cho Blatter nếu Qatar giành được quyền đăng cai.
Thông tin này trùng khớp với tiết lộ của Platini với giới truyền thông về việc FIFA âm thầm chỉ định Qatar nên các thành viên bỏ phiếu chỉ có một lựa chọn ủng hộ cho quốc gia vùng Vịnh bất chấp những khó khăn về thời tiết, cơ sở hạ tầng và vấn đề nhân quyền.
Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan W.Makudi cũng bị cáo buộc nhận 1,23 tỉ bảng cho hợp đồng cung cấp khí đốt mà Qatar và Thái Lan ký kết tháng 8-2010; Chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha A.Villar nhận 150 triệu bảng Anh tiền "lại quả" cho hợp đồng tài trợ của Qatar Airways cho CLB Barcelona. Cố chủ tịch J.Grondona của LĐBĐ Argentina nhận 59 triệu bảng, dùng thanh toán các khoản nợ của LÐBÐ Argentina và chi phí tài trợ cho trận giao hữu Argentina - Brazil tháng 11-2010 tại Doha, còn đồng nghiệp phía Brazil là Ricardo Teixeira nhận 6,7 triệu bảng được hiểu là phần tài trợ các trận giao hữu của đội tuyển Brazil.
Nhiều ý kiến yêu cầu FIFA phải điều tra để làm sáng tỏ sự việc. Tuy nhiên, FIFA cho rằng cần tôn trọng kết quả điều tra do tiểu ban độc lập của luật sư người Mỹ Michael Garcia đã công bố và không có lý do gì để “đẩy” World Cup 2022 khỏi Qatar.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-6
Kỳ tới: Qatar có mất quyền đăng cai?
Bình luận (0)