Dù không phá được kỷ lục SEA Games nhưng việc giành HCV đầu tiên ở kỳ đại hội mà bơi lội Việt Nam trông chờ rất nhiều vào Hoàng Quý Phước cũng đã giúp VĐV quê Đà Nẵng vượt qua được sự thất vọng sau những ngày chỉ giành HCB, thậm chí xếp thứ 8/8 hôm 15-12.
Ít phút trước khi Quý Phước giành HCV, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên cũng đã mang về cho cá nhân cô chiếc HCV thứ ba tại SEA Games năm nay ở nội dung 400 m hỗn hợp nữ. Với thành tích 4’46”16, cô hơn tay bơi Indonesia xếp ngay sau đến hơn 13 giây và phá sâu kỷ lục đại hội. Kỹ lục cũ là 4’50’’88 thuộc về Natthanan Junkrajang của Thái Lan, lập được tại SEA Games 2011 ở Indonesia.
Với 5 HCV và 2 kỷ lục SEA Games (của Ánh Viên), Việt Nam lần đầu tiên nổi lên như một cường quốc bơi lội ở SEA Games. Năm 2011, chỉ có Hoàng Quý Phước giành được 2 HCV SEA Games nhưng cũng đã được xem là hiện tượng. Năm nay, với Ánh Viên giành đến 3 HCV, một kỷ lục trong lịch sử bơi lội Việt Nam, cộng thêm 2 chức vô địch của Quý Phước và Lâm Quang Nhật, có thể nói bơi lội Việt Nam đang sở hữu một thế hệ trẻ đầy tài năng và đáng tự hào nhất.
Theo ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, bơi lội đã mang lại niềm tự hào lớn cho đoàn thể thao Việt Nam. “Tôi vừa trò chuyện cùng trưởng đoàn các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Họ đều hỏi tại sao SEA Games năm nay, bơi lội Việt Nam thi đấu ấn tượng như vậy? Tôi trả lời bơi lội Việt Nam đang học hỏi các nước bạn, chúng tôi cố gắng cho các VĐV trẻ tập huấn ở nước ngoài cũng như thường xuyên thi đấu cọ xát tại các giải quốc tế” - ông Giang tự hào chia sẻ với báo giới.
Xếp hạng sau ngày 16-12: 1. Thái Lan (59 HCV, 45 HCB, 49 HCĐ); 2. Việt Nam (42, 36, 43); 3. Myanmar (39, 38, 41); |
Bình luận (0)