Chưa ai rõ việc tham gia sân chơi cấp độ thế giới như thế có mang lại những điều tốt lành cho làng cầu 8 quốc gia có đội đại diện tại giải hay không. Phải nói rõ điều này bởi 4 lần tổ chức gần nhất kể từ năm 2005, Confederations Cup (Confed Cup) chỉ được xem là cơ hội để FIFA rà soát công tác tổ chức, điều kiện cơ sở hạ tầng của nước chủ nhà World Cup diễn ra sau đó một năm.
Ronaldo (phải) và đồng đội đủ sức vô địch Confed Cup khi các đối thủ không mang đến thành phần mạnh nhất,
trừ Chile Ảnh: REUTERS
Trong suốt chiều dài lịch sử 25 năm của Confed Cup, những đội tham dự chưa bao giờ xem đây là cơ hội chuẩn bị cho chiến dịch chinh phục World Cup, trong đó, đội vô địch Confed Cup các năm 1997, 2001, 2005, 2009 và 2013 đều thất bại ở kỳ World Cup tiếp theo. Suýt vượt qua lời nguyền và chạm tay đến vinh quang là trường hợp của nhà vô địch Confed Cup 1997 khi sau đó, tuyển Brazil lọt vào đến trận chung kết World Cup 1998. Chỉ có điều, Brazil lần ấy thất thủ với tỉ số không tưởng 0-3 trước chủ nhà Pháp, để lại một nghi án khó phai mờ.
Cùng với đại diện nước chủ nhà và đội đương kim vô địch World Cup, giải cũng quy tụ nhà vô địch của 6 châu lục và sự chênh lệch đẳng cấp rất lớn giữa nhóm đội này khiến Confed Cup mất dần sự hấp dẫn. Rất nhiều đội dự Confed Cup khi chưa giành được quyền đến World Cup nên rất khó để họ tung sức cho một sân chơi "vô thưởng vô phạt", mức thưởng cho đội vô địch lại không cao.
Những chi tiết kể trên đang tác động rất mạnh đến FIFA mà tân Chủ tịch G.Infantino cũng phải hứa sẽ xem xét thấu đáo việc có nên để Confed Cup tồn tại sau mùa giải 2017 hay không. FIFA đang phải "đầu tư" khoảng 70 triệu USD vào Confed Cup nhưng lợi nhuận thu về lại không như kỳ vọng khi nhiều đội bóng lớn không đem đến giải các ngôi sao lớn của mình. Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Qatar, FIFA không thể và cũng chẳng có quyền xáo trộn lịch thi đấu của các quốc gia liên tiếp 2 mùa giải để tổ chức Confed Cup 2021 rồi World Cup 2022.
Trước mắt, các đội bóng đều đã có mặt tại nước Nga, chờ thời khắc bóng lăn ở trận khai mạc giữa chủ nhà Nga và tuyển New Zealand lúc 22 giờ ngày 17-6 tại St. Peterburg. Nga chỉ ở đẳng cấp trung bình nhưng đối thủ của họ xem ra cũng chẳng mạnh. Chính vì thế, trận đấu còn lại của bảng A diễn ra sau đó một ngày giữa Bồ Đào Nha và Mexico mới là tâm điểm thu hút sự chú ý.
Được chờ đợi nhiều nhất tại giải năm nay hẳn phải là ngôi sao Ronaldo, chân sút vừa đưa Real Madrid đến cú đúp vô địch mùa rồi. Bồ Đào Nha còn gần như đầy đủ các nhà vô địch châu Âu một năm trước, ngoài Ronaldo còn có những Rui Patricio, Pepe, Nani hay Quaresma…
Tại bảng B, thách thức lớn nhất đối với tuyển Đức, nhà vô địch World Cup 2014, không ai khác hơn nhà vô địch Copa America Chile, đội bóng có lối chơi tập thể và khoa học, đứng đầu là chân sút A.Sanchez, tác giả 30 bàn thắng mùa rồi cho Arsenal. Ứng cử viên vô địch Đức sẽ phải tìm cách vượt qua Chile trong trận "chung kết sớm" rạng sáng 23-6 trước khi nghĩ đến việc đua tranh ngôi vô địch cùng Bồ Đào Nha.
Các đội Nga (chủ nhà World Cup 2018), New Zealand (châu Đại Dương), Bồ Đào Nha (châu Âu), Mexico (CONCACAF) được xếp vào bảng A còn bảng B có sự hiện diện của Đức (vô địch World Cup 2014), Cameroon (châu Phi), Chile (Nam Mỹ) và Úc (châu Á), thi đấu từ ngày 17-6 đến 2-7 tại 4 thành phố Moscow, Kazan, Sochi và St. Peterburg.
Bình luận (0)