xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sài Gòn cổ thụ

Nguyễn Yên Thy

Sài Gòn có 36.599 cây xanh trên đường phố. Trong đó có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi

Tôi có một người quen, là Việt kiều, sống ở nước ngoài bao nhiêu năm rồi, chỉ nhớ mỗi... hàng me ở đường Bà Huyện” - kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm, Tổng Thư ký Hội KHKT Lâm nghiệp, Đội phó Đội Quản lý cây xanh số 1 của TP kể. Nỗi hoài nhớ da diết đến mức mỗi lần về Sài Gòn, thế nào cũng phải đi ngang cho được con đường buổi chiều lộng gió có hàng me “lá hát như mưa” ở đấy.

Cột mốc ký ức.- Về mặt khoa học, cây xanh thể hiện chất lượng cuộc sống thị dân. Về mặt con người, chắc chắn cây xanh là cột mốc ký ức về một thành phố nào đó. Nó thuộc về kỷ niệm như trường hợp người bạn Việt kiều của kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm kể trên. Nói hoa phượng đỏ, ta nhớ về TP cảng Hải Phòng; nói về hoa sữa, ta nhớ đến Hà Nội... Cây hoa sữa của Hà Nội đem vào trồng ở Đồng Hới, Đà Nẵng... lại chẳng có chút cảm giác nào. Ngược lại, có lần người dân ở thị xã này còn đi kiện... cây hoa sữa vì thời tiết nóng nó ra hoa tỏa hương nồng chịu không nổi! Thị xã phải cho đốn bớt đi để trồng loại cây mới. TP không có cây xanh là TP không – ký – ức. Tôi đã từng sống gần mười năm ở một TP có hàng cây xà cừ duy nhất gần 70 tuổi đã bị đốn hạ sau đợt mở đường. Một ngày nào đó đi xa, chợt giật mình hóa ra gần mười năm trời nó chẳng còn gì trong ký ức của mình. Thật lạ lùng, đời người gắn với đời cây. Thuở học trò, chỉ nhớ về mỗi ngôi trường có hai cây phượng vĩ cổ thụ ở một vùng đèo heo gió hút. Mùa hè, phượng nở hoa, ve sầu kêu râm ran ầm ĩ át cả tiếng thầy giảng bài. Thời sinh viên, chỉ nhớ đến con đường phượng bay (đường Đặng Thái Thân) nằm trong thành nội ở Huế đã đi vào nhạc của Trịnh Công Sơn... Buổi chiều tan học về, ngang qua đường này lá phượng rơi tầm tã trên vai áo dài của người thiếu nữ Huế. Những ngày lăn lóc ở Trường Sơn, còn lai những cánh rừng lá đỏ.

Thời gian sẽ trôi qua đi. Thời gian vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Cuộc sống con người vốn lãng du và đổi thay liên tục. Trên hành trình mệt nhoài của phận người, những cội cổ thụ già của mỗi nơi chốn, mỗi TP đi qua vẫn trầm mặc soi bóng xuống một vùng ký ức lặng im của kỷ niệm. Sài Gòn trong nỗi nhớ xa xôi còn lại những hàng me thì thầm với gió. Sài Gòn trong ấn tượng của khách thập phương với những cây dầu rái (tên khoa học Dipterocarpus alatus Roxb) và cây sao đen (tên khoa học Hopea odorata Roxb) trên các con đường Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Ánh, Trần Quốc Thảo, Huyền Trân Công Chúa... Đó là hình ảnh cuối cùng của rừng nhiệt đới rụng lá đặc trưng của miền Nam. Thẳng, cao, sừng sững và hoành tráng.  Hai loại cây sao, dầu là chứng nhân tin cậy nhất cho lịch sử đất Sài Gòn vốn sơ khai là rừng rậm hoang vu. Khi người Pháp đặt chân đến TP này vào cuối thế kỷ 19 đã lập ra “Sở Ươm cây”. Người Pháp rất có ý thức về cây xanh đường phố nên ra lệnh cấm triệt hạ những cây cổ thụ còn sót lại. Các loại cây nhiệt đới được mang tập trung về đây trồng thử. Có lẽ, lúc đó ông Pierre, Giám đốc Sở Ươm cây, đã thấy cây dầu và cây sao cũng đẹp nên đem trồng ra đường. Thực ra, cây dầu và sao không thích hợp chút nào với đường phố vì nó cao quá. Trong điều kiện thiếu ánh sáng quang hợp, bản năng sinh tồn tự nhiên đã thúc đẩy những cây này vươn lên tầng trên một cách khác thường. Các nhà sinh vật học nói rất hình tượng rằng cái đẹp của cây cối cũng có mức chuẩn của nó như người phụ nữ đi thi hoa hậu thì cơ thể phải có chiều cao và số đo ba vòng phù hợp. Vì trái quy luật nên đâm ra bất bình thường. Trong 9 vụ tai nạn chết người do cây xanh gãy đổ trong vòng 11 năm trở lại đây ở Sài Gòn, có đến 4 vụ do “thủ phạm” là cây sao, dầu. Năm năm trước, chỗ gần nhà để xe của sân bay Tân Sơn Nhất cũng có một hàng cây dầu chừng ba bốn chục tuổi. Nghe người ta “đe” bảo hiểm mỗi đầu khách quốc tế lên đến mấy chục ngàn USD. Các cơ quan chức năng “hãi” quá. Đành phải ra lệnh “thi hành án” nó thật nhanh chóng trong tiếng thở phào nhẹ nhõm của ông hàng không và tiếng chặc lưỡi tiếc nuối của ông cây xanh TP. Dù sao cũng không thể khác được. Vậy thôi. Quê hương của nó, thủ đô Jakarta, trên đường phố người ta cũng chỉ trồng cây me và cây lim xẹt để lấy tiêu chuẩn xanh một cách an toàn.

Cổ thụ hiếm hoi.- Cây cổ thụ cao tuổi nhất Sài Gòn quanh đi quẩn lại cũng thuộc về họ “cây đa cây đề”. “Cụ” đa còm trong Công viên Bách Tùng Diệp nơi góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lý Tự Trọng giữ kỷ lục về tuổi tác. “Cụ” này có 5 thân, số tuổi trên 300 năm. Nhờ ơn mưa móc của trời đất đến nay “cụ” vẫn còn khỏe mạnh. Cách đây mấy năm, trong Công viên Bách Tùng Diệp có một “cụ” nữa số cũng tuổi xấp xỉ. Một người dân cạnh đấy đào móng làm nhà, động đến rễ khiến “cụ” chết dần. Bên cây xanh luyến tiếc, huy động 54 nhân công chữa bệnh. Suốt cả tháng ròng, chăm bón tắm tưới, cuối cùng cũng đành bó tay nhìn cụ “lên đường”. Theo Trương Vĩnh Ký, dưới thời Tự Đức, chỗ cây đa này là một cái chợ nổi tiếng sầm uất lấy tên là chợ Cây Đa Còm. Ngày trước, sĩ tử đi thi trường Gia Định thường ra chợ này mua sắm áo mũ. Bây giờ, chợ không còn nữa, dưới gốc đa nay là quán cà phê. Sáng sáng, các cụ già ra đây ngồi nhâm nhi cà phê hồi tưởng, ngắm thiên hạ nương theo bóng mát gốc đa. Đêm đêm các cặp tình nhân cũng vào quán này ẩn mình trong bóng... tối đại huệ đại phúc của “cụ”.

Hình ảnh cuối cùng của rừng nhiệt đới ẩm giữa Sài Gòn đã mất. Cây xay (tên khoa học Dialium cochinensis Pierre) 200 tuổi nằm trên đường Huỳnh Văn Bánh bị đốn hạ cách đây 3 năm rồi. Dưới gốc xay này, ngày xưa nghe nói có một con suối chảy qua, người dân mấy thế kỷ trước hay dùng để cột voi, cột ngựa vào đấy. Cây mù u trắng (bạch mai) cổ được trồng vào năm 1909 ở Phụng Sơn Tự (quận 11), là chứng nhân của Bạch Mai thi xã - thi đàn nổi tiếng của Nam Kỳ, nay cũng đang ở trong tình trạng nghiêng nặng cần được chăm sóc và bảo vệ. Nói đến cây cổ thụ quý hiếm Sài Gòn không thể không nói đến Thảo Cầm Viên và khuôn viên Dinh Thống Nhất. Trong Thảo Cầm Viên có cây bao báp duy nhất nguồn gốc tận sa mạc Phi châu. Các loại cây khác như cườm rắn, côm, cườm thị, chưng bàu... cũng chỉ có trong Thảo Cầm Viên hoặc Dinh Thống Nhất. Cây mã tiền (hay còn gọi là củ chi) một thời dùng để đặt tên cho vùng đất Củ Chi nay cũng biến mất.

Một người có “tâm” với... cây.- “Tôi có được cái an ủi là khi sắp về hưu rồi, tôi đã góp phần giữ lại nhiều cây cổ trong TP” - kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm đã tâm sự như vậy. Ông là một người rất yêu... cây. Tốt nghiệp Trường Nông Lâm Hà Nội năm 1966 rồi vác ba lô vào Trường Sơn làm công việc nghiên cứu rau rừng cho Tổng cục Hậu cần. Hòa bình về, ông chuyển ngành sang quản lý cây xanh. Ông bảo, làm công việc này có một... tâm hồn nghệ sĩ nữa thì tốt biết mấy. Ông là người “hiểu” từng gốc cây trong TP. Đội Quản lý cây xanh số 1, nơi ông đang làm việc, được giao quản lý cây xanh phía Nam Sài Gòn. Trong diện quản lý của đội này tập trung nhiều cây cổ thụ có tuổi nhất. Cả đội có 40 thợ leo lành nghề cha truyền con nối. Đội tuần tra hằng ngày vác ống nhòm săm soi tận những cành cây cao. Phát hiện một chút khả nghi mục ruỗng hoặc sam, hà là lập tức gọi thợ leo đến giải quyết. Mỗi lần “thi hành án” một cây cổ thụ vì lý do chẳng đặng đừng nào đó, ông bảo thấy tiếc đứt ruột. “Vậy mà tai nạn cây xanh vẫn xảy ra thường xuyên. Làm sao biết được một cây vẫn xanh tươi hoa lá vậy mà rễ đã đứt hết hoặc ruột rỗng tuếch” - ông Kiểm kể. “Cách đây đâu khoảng 5 năm, buổi trưa tôi đang ngồi uống giải khát ở đường Trần Quốc Thảo. Một người phụ nữ đi qua thì bất ngờ một nhánh sao gãy đổ xuống ngay đầu. Tôi theo nạn nhân vào bệnh viện đến 9 giờ tối để chăm sóc cho họ. Đói quá, tôi ra ngoài cổng để ăn cháo. Gặp người nhà nạn nhân, tôi mời họ ăn luôn thể. Bất thình lình, một thân nhân bưng tô cháo hắt vào mặt tôi và chửi thậm tệ. Tôi giấu nhẹm chuyện này với vợ và con gái. Kể ra sợ gia đình buồn. Đâu có ai mong muốn như vậy đâu. Nghề gì cũng có cái khổ của nó. Lúc đó tôi hiểu được nỗi bức xúc gia đình nạn nhân”. Chị này qua đời khi còn vài ngày nữa thì lên đường xuất cảnh sang Mỹ.

Để làm một căn nhà lầu chỉ mất chừng một năm hay mấy tháng. Nhưng để có một cây xanh bình thường trên đường phố, mọi người thường quên rằng phải mất mấy chục năm. Thời gian bằng cả một đời người. Trong chiếc tủ ở phòng làm việc của kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm chất đầy những tấm

Mật độ: Cây xanh đường phố Sài Gòn tính trên đầu người là 2,4 m2. Trong khi đó ở Hà Nội là 4 m2. Ở Singapore 7,5 m2, ở Vacsava con số này lên đến 30 m2. Theo dự kiến, TP sẽ phấn đấu đến năm 2010 diện tích cây xanh trên đầu người là 4 m2.

ảnh về... cây. Cây trong TP. Cây khắp các nước trên thế giới... Có cây còn đứng đó điểm tô cho màu xanh TP nhưng có cây đã vĩnh viễn “ra đi” rồi. Những nơi ông đã đi qua thì tự chụp hình. Những nơi không đến được thì nhờ bạn bè chụp giúp và gửi về... ngắm cho vui! Trong đôi mắt của ông dường như có rất nhiều cây cối tươi tốt. Nghĩ lại những điều ông nói về kỷ niệm, ký ức gắn liền cây trên đường phố, một ngày đi ngang qua những con đường mới không cây xanh dưới nắng nôi chợt thấy lòng trống huơ trống hoác và bực dọc. Rõ ràng rất vô hình, cây cổ thụ đã neo giữ ký ức trầm lắng của mọi người về Sài Gòn. Điều đó ta chỉ chợt phát hiện ra khi đi xa một mình bỗng nhớ về quán cóc ngồi dưới gốc cây một trăm năm cùng bè bạn...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo