Hôm chủ nhật vừa qua, cảnh sát đã nhận được cuộc gọi khẩn cấp, thông báo về một người đàn ông khoảng 30 tuổi đang trong tình trạng lơ mơ, khá nguy kịch ở ven xa lộ M602, thuộc khu vực Salford, thành phố Manchester. Người đàn ông này – sau đó được xác định là Aaron Lennon, cầu thủ của CLB Everton – nhanh chóng được đưa vào bệnh viện Hoàng gia Salford. Kết quả chẩn đoán ban đầu cho thấy, Lennon bị va đập mạnh vào đầu, có thể do tự gây ra và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành vi cũng như nhận thức của anh.
Aaron Lennon
Lennon được chăm sóc theo quy định của Luật Sức khỏe tâm thần và đến nay, trạng thái cơ thể của anh đã dần ổn định. Đội bóng chủ quản Everton nhanh chóng ra thông báo cảm ơn sự quan tâm của dư luận dành cho cầu thủ của mình, người đã phải tập luyện riêng cũng như cần đến các phương pháp vật lý trị liệu ở sân Finch Farm suốt vài tuần qua.
Từng được xem là người kế nhiệm David Beckham ở vai trò tiền vệ cánh phải của tuyển Anh với 21 lần khoác áo Tam sư, Aaron Lennon rời Tottenham để đầu quân cho Everton năm 2015 với giá chuyển nhượng 4 triệu bảng. Mùa này, Lennon có 13 lần ra sân cho Everton và lần sau cùng vào ngày 11-2 với tư cách cầu thủ dự bị ở trận đấu với Middlesbrough. HLV Ronald Koeman tiết lộ rằng tiền vệ người Anh “không đủ thể lực để thi đấu”.
Lennon ở đỉnh cao sư nghiệp khi khoác áo Tottenham
Theo người đứng đầu Tiểu ban Phúc lợi của Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) Michael Bennett, người mắc bệnh trầm cảm giờ đây ít bị kỳ thị một khi nhiều nhân vật tiếng tăm trong xã hội như Thái tử Harry, cựu chủ tịch PFA Clarke Carlisle hay cựu danh thủ Rio Ferdinand lên tiếng bảo vệ. Ông nhìn nhận, dư luận xã hội ngày càng có xu hướng ủng hộ những bệnh nhân trầm cảm, đặc biệt từ giới cầu thủ bóng đá, những người thường xuyên gánh chịu áp lực từ công luận. Cựu tuyển thủ Anh Andy Johnson đăng tải một thông điệp ủng hộ trên mạng xã hội Twitter và cam kết ủng hộ Quỹ từ thiện hỗ trợ bệnh nhân trầm cảm 10 bảng cho mỗi lượt chia sẻ. Kết quả thật bất ngờ: Chỉ trong vòng 3 ngày, thông điệp của Andy Johnson được re-tweet trên 70.000 lần!
Câu chuyện của Lennon chiếm trọn các trang báo thể thao Anh
Một kết quả khảo sát năm 2015 từ Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPRO) cho thấy, hơn 1/3 số cầu thủ chuyên nghiệp bị mắc chứng bệnh trầm cảm và các triệu chứng liên quan đến sức khỏe tâm thần. Trong số 607 cầu thủ được phỏng vấn, có đến 38% cho biết từng gặp các vấn đề tâm lý ở nhiều thời điểm trong sự nghiệp, đặc biệt là những cầu thủ từng dính chấn thương nghiêm trọng.
Còn theo PFA, chỉ riêng năm 2016, có đến 160 hội viên liên hệ đến các dịch vụ trợ giúp phúc lợi của tổ chức này, bao gồm 62 cầu thủ và 98 cựu cầu thủ. Michael Bennett nhận định: “Chúng ta đang đối mặt với một vấn đề xã hội, không phải là vấn đề của riêng bóng đá. Lượng người cần trợ giúp ngày một tăng kể từ năm 2012”.
Cựu HLV Martin Ling bị bệnh trầm cảm nặng
Martin Ling, cựu HLV Swindon với 31 năm trong nghề, cũng là người mắc chứng trầm cảm nặng nề. Ông chia sẻ: “Cầu thủ bóng đá rất dễ mắc căn bệnh này. Ở một ngành công nghiệp giải trí đề cao sức mạnh tinh thần và thể lực của người chơi như bóng đá, hậu quả sau đó là rất khủng khiếp. Công luận suốt ngày lên tiếng về các trận cầu. Aaron Lennon và các đồng nghiệp có thể phải ra sân hàng tuần theo nhịp độ thứ bảy, thứ ba, thứ bảy và hệ quả là họ phải nghe những lời phán xét, sự chỉ trích đều đặn 3 lần mỗi tuần và tất cả đều công khai. Lennon chỉ mới 30 tuổi và những năm tháng đen tối kéo dài sẽ chờ anh ở phía trước!”.
Bình luận (0)