Tại Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á diễn hồi tháng 7 vừa qua ở thủ đô Phnom Penh, đại diện 11 quốc gia trong khu vực đã nhất trí thông qua danh sách 44 môn thi chính thức tại SEA Games 2023. Tuy nhiên, đó chưa phải con số cuối cùng bởi sau khi lắng nghe đề xuất bổ sung cũng như thay đổi từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á và chủ nhà Campuchia mới đây đã thống nhất "chốt" chương trình tranh tài tại SEA Games 32 ở con số 49 môn và phân môn, kèm theo đó là 608 nội dung thi đấu.
Đây là con số kỷ lục về nội dung thi đấu trong lịch sử SEA Games. Tại SEA Games 30, chủ nhà Philippines tổ chức đến 56 môn thi nhưng chỉ có 530 nội dung và tại SEA Games 31 diễn ra mới đây, chủ nhà Việt Nam đăng cai 40 môn thi với tổng cộng 526 nội dung. Campuchia cam kết tổ chức những môn thi đấu chính thống như điền kinh (47 nội dung), bơi (39 nội dung), bóng đá (nam, nữ), đấu kiếm (12 nội dung), 3 môn phối hợp (7 nội dung), taekwondo (24 nội dung), judo (13 nội dung), boxing (17 nội dung)... nhưng cũng mạnh tay loại bỏ nhiều bộ môn có tên trong hệ thống Olympic như bắn súng, bắn cung, rowing, canoeing.
Chủ nhà Campuchia hướng tới mục tiêu vào tốp dẫn đầu SEA Gams 32. (Ảnh: CAMSOC)
Nhiều môn được xem là thế mạnh của thể thao Việt Nam như cờ vua, kurash, futsal… cũng chắc chắn không có mặt tại kỳ đại hội diễn ra vào mùa hè 2023 trên xứ sở chùa tháp khi Campuchia nêu lý do không đủ điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức. Tuy vậy, phía chủ nhà SEA Games 32 lại đưa vào chương trình tranh tài rất nhiều môn võ như: kun bokator (võ Khmer, 21 nội dung), arnis (võ gậy, 12 nội dung), Vovinam (võ Việt Nam - 30 nội dung)…, đồng thời tuyên bố không đoàn nước ngoài nào được đăng ký quá 70% số nội dung võ thuật.
Từng cùng nhau thống nhất quan điểm xây dựng một sân chơi chú trọng vào các môn thể thao trong hệ thống Olympic, Á vận hội (ASIAD) để cùng cạnh tranh bình đẳng đồng thời chuẩn bị lực lượng tham dự các giải thể thao quốc tế trong thời gian tới, thế nhưng với lý do không có lực lượng VĐV được đào tạo đầy đủ cũng như thiếu cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu tổ chức, Campuchia đã chưa đi theo xu thế chung.
Hướng tới mục tiêu đạt thành tích tốt nhất trên sân nhà, ngoài việc sử dụng lợi thế quốc gia đăng cai trong việc chọn lựa môn thi đấu, Campuchia hiện đang ráo riết chuẩn bị lực lượng như: Ủy ban Olympic Campuchia đã ký kết hợp tác chiến lược để phát triển toàn diện với Ủy ban Olympic Ả Rập Saudi; chiêu mộ HLV Cuba đồng thời đưa bóng chuyền nam đi tập huấn tại Cuba và Trung Quốc với mục tiêu giành HCV; tuyển thể dục dụng cụ được tập huấn ở Trung Quốc; đội tuyển hockey tập huấn tại Hàn Quốc...
SEA Games 32 với khẩu hiệu "Thể thao - Sống trong hòa bình" sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 17-5-2023 ở thủ đô Phnom Penh cùng 4 địa phương khác là Siem Reap, Sihanoukville, Kep và Kampot. Đây là lần đầu tiên Campuchia đăng cai đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là quốc gia thứ 10 tổ chức SEA Games (trừ Timor Leste chưa tổ chức). Dự kiến có khoảng 10.000 người, bao gồm 7.000 VĐV, HLV, sẽ tham gia sự kiện thể thao này.
Cùng với SEA Games 32, Campuchia cũng sẽ đăng cai ASEAN Para Games 12 từ ngày 1 đến 10-6-2023.
Danh sách các môn thi đấu tại SEA Games 32
Điền kinh; thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu, bóng nước, lặn); cầu lông; bóng rổ (5x5, 3x3); boxing; billiards; thể hình; cờ (cờ Khmer, cờ tướng); xe đạp (đường trường, leo núi); cricket; khiêu vũ thể thao; e-sports; kiếm; floorball (bóng sàn); bóng đá; golf; thể dục (aerobic, thể dục dụng cụ); hockey (sân cỏ, trong nhà); đua môtô nước; judo; karatedo; đua thuyền buồm; cầu mây; bóng mềm; quần vợt; bóng bàn; thể thao hiện đại (triathlon, aquathlon, duathlon); bóng chuyền (trong nhà, bãi biển); vật; cử tạ; wushu; thể thao vượt chướng ngại vật; võ thuật (arnis, jiujitsu, võ Khmer, kickboxing, Vovinam); taekwondo ITF (võ Triều Tiên); pencak silat; đua thuyền truyền thống; bi sắt; teqball (biểu diễn, không tính huy chương).
Bình luận (0)