Không vượt qua được cuộc kiểm tra doping hồi tháng 1 sau khi bị loại ở tứ kết giải Úc mở rộng 2016 dưới tay Serena Williams, sự nghiệp quần vợt của Maria Sharapova bắt đầu nhuốm một màu u tối. Đầu tháng 3, Sharapova đã phải tổ chức họp báo, thông báo việc mẫu thử của cô có phản ứng dương tính với meldonium, dược chất dùng chữa trị tức ngực và đau tim kèm tác dụng phụ giúp tăng sức chịu đựng cho VĐV thông qua việc cải thiện lượng tuần hoàn máu. Tính năng này khiến meldonium bị Tổ chức phòng chống doping thế giới (WADA) đưa vào danh mục cấm từ đầu năm 2016. Sharapova đã sử dụng meldonium cả chục năm và do không nắm bắt thông báo cấm nên vi phạm bị phát hiện và kết tội.
Hồi tháng 3, Sharapova thừa nhận việc sử dụng chất cấm theo quy định của WADA
Trong phiên điều trần kéo dài 2 ngày diễn ra tại London hồi trung tuần tháng 5, Sharapova không đưa ra được bằng chứng hay lý lẽ gì khác ngoài việc thanh minh sử dụng meldonium theo chỉ định của bác sĩ gia đình để chữa bệnh thay vì lý do nào khác. Đó là cơ sở để ngày 8-6, Liên đoàn quần vợt thế giới (ITF) đưa ra thông báo cụ thể về trường hợp của tay vợt người Nga: “Sharapova, tay vợt 29 tuổi đến từ Nga đã cung cấp mẫu nước tiểu của mình vào ngày 26-1. Phòng thí nghiệm WADA tại Canada đã phân tích và phát hiện mẫu thử này dương tính với meldonium, một dược chất có tên trong danh mục chất cấm S4 (liên quan đến hormone và trao đổi chất) được bổ sung từ đầu năm 2016 của WADA. Ngày 2-3, Sharapova bị buộc tội sử dụng chất cấm theo điều lệ của ITF và đã thừa nhận hành vi của mình. Ở phiên điều trần tại London vào tháng 5, tòa án đã nhận được bằng chứng và lắng nghe những lập luận pháp lý của cả hai bên để xác định: Maria Sharapova không đủ điều kiện để tham gia thi đấu thể thao chuyên nghiệp trong vòng 2 năm, lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 26-1-2016 đến 26-1-2018. Maria Sharapova sẽ bị hủy toàn bộ thành tích thi đấu tại giải Úc mở rộng 2016, bị thu hồi tiền thưởng và số điểm xếp hạng mà cô giành được”.
Như vậy, Maria Sharapova chỉ có thể trở lại sân đấu, ít nhất sau giải Úc mở rộng 2018 khi đã bước sang tuổi 31. Điều này cũng khiến quyết định đưa tên Sharapova vào danh sách thi đấu môn quần vợt ở Thế vận hội Rio 2016 của Liên đoàn quần vợt Nga (RTF) bị phá sản hoàn toàn. Bất chấp tuyên bố sẽ kháng án của Sharapova, RTF chắc chắn sẽ phải trù tính việc thực hiện phương án dự phòng, tức đưa tay vợt hạng 29 thế giới Ekaterina Makarova thi đấu thay thế cho Sharapova.
Án cấm thi đấu được tuyên có phần nhẹ hơn nhiều so với dự kiến khi “tiền sử” sử dụng thuốc đến hơn 10 năm cũng như cách Sharapova “lờ tịt” thông báo của WADA khiến của giới chuyên môn đã nghĩ đến việc cô sẽ phải “treo vợt” trong ít nhất 4 năm.
Sharapova được đánh giá là một trong những tay vợt nhà nghề nữ thành công nhất trong lịch sử với 5 danh hiệu lớn giành được tại cả 4 giải Grand Slam cùng vô số thành tích khác như chức vô địch Giải WTA cuối mùa 2004, HCB Thế vận hội London 2012… Cô đã vắng mặt ở mọi giải đấu kể từ sau thất bại ở tứ kết Úc mở rộng 2016, kể cả giải Roland Garros vừa kết thúc tại Paris.
Người hâm mộ quần vợt thế giới trong thời gian tới sẽ không được chiêm ngưỡng tài năng và sắc đẹp của “búp bê Nga” trên sân bóng, nơi chỉ riêng sự hiện diện của cô cũng đã là yếu tố đảm bảo sự thành công của mọi giải đấu. Khán giả hẳn sẽ rất nhớ… những tiếng thét lảnh lót khi thi đấu của Sharapova, ao ước được theo dõi cuộc đua tranh ngôi vị số một không có đoạn kết giữa cô và Serena bởi chẳng khi nào cô có thể thắng được đối thủ người Mỹ như đã từng như thế trong hơn 10 năm qua.
Dư âm cuộc chiến với meldonium chỉ toàn dư vị đắng chát đối với Sharapova, khác hẳn với độ ngọt và sức quyến rũ của những viên kẹo, thỏi chocolate mang tên Sugarpova. Ở tuổi 31, Sharapova sẽ trở lại ra sao khi quần vợt thế giới hiện tại đã tràn ngập những tay vợt trẻ tuổi mà tài năng cũng như sắc đẹp không hề kém cạnh so với “búp bê Nga”? Giả sử kháng án không thành, Sharapova có lặng lẽ nói luôn lời chia tay mãi mãi với quần vợt, niềm đam mê cháy bỏng đã theo cô từ khi còn là một cô bé lên 4?
Bình luận (0)