Sau giải WTA Pacific Life Open, tôi tiếp tục tham dự những giải Grand Slam đầu tiên trong năm 2002. Tôi thua Barbara Strycova ở Giải Úc mở rộng rồi thua đồng hương Vera Dushevina ở Wimbledon, đều ở trận chung kết nội dung đơn nữ trẻ và tự hào là tay vợt trẻ nhất từng vào đến trận đấu cuối cùng trong lịch sử 2 sự kiện hàng đầu này.
Hiềm khích với Serena càng tăng
Tôi hào hứng nhận lời tham dự Wimbledon Ball, bữa tiệc chiêu đãi những nhà vô địch của giải và khi chứng kiến chị em nhà Williams kiêu sa, hãnh diện trên bục chiến thắng cao nhất, tôi lại tự dặn lòng không được quên mục tiêu phải đánh bại bộ đôi này.
Tháng 4-2003, tôi tròn 16 tuổi và đủ tư cách thi đấu chuyên nghiệp toàn thời gian. Không thắng nổi trận nào ở Giải Úc mở rộng rồi Roland Garros, tôi lắng nghe lời cha và các thầy, tìm kiếm cơ hội ở các giải WTA Tour để cải thiện thứ hạng và quay lại Wimbledon tháng 6 năm ấy với thứ hạng 47 thế giới. Tôi dừng chân ở vòng 4 sau trận thua đàn chị đồng hương Svetlana Kuznetsova và tiếp tục phải chứng kiến chị em nhà Williams cùng vào đến trận tranh ngôi vô địch.
Sharapova với chức vô địch Grand Slam đầu đời - Wimbledon 2004 (trái) và đăng quang tại Giải Mỹ mở rộng 2 năm sau.Ảnh: REUTERS
Tôi chào đón mùa giải 2004 với thứ hạng 32 thế giới sau khi vô địch giải chuyên nghiệp đầu tiên vài tháng trước đó, Giải Nhật Bản mở rộng. Thua ngay từ vòng 3 Giải Úc mở rộng, tôi được IMG sắp xếp sang tập luyện tại học viện của Juan Carlos Ferrero ở Tây Ban Nha. Nhà vô địch Pháp mở rộng 2003 năm đó mới 23 tuổi và anh tận tình hướng dẫn tôi nhiều điều. Tham dự Roland Garros, tôi vào đến tứ kết nhưng lại buồn vì ngôi vô địch rơi vào tay đồng hương Anastasia Myskina trong khi tôi muốn mình là tay vợt nữ người Nga đầu tiên thắng Giải Grand Slam…
Tại Wimbledon, tôi vượt qua nhiều tên tuổi lớn như Anna Keothavong, Daniela Hantuchova, Amy Frazier, Ai Sugiyama, Lindsay Davenport để vào chung kết với Serena Williams. Tôi thắng kình địch người Mỹ 6-1, 6-4 để đăng quang, trở thành nhà vô địch trẻ thứ ba trong lịch sử giải, sau Lottie Dod và Martina Hingis. Bước vào phòng thay đồ sau trận đấu, tôi nghe Serena khóc lóc và gằn giọng tuyên bố: "Không bao giờ để thua con khốn nhỏ bé đó thêm một lần nào nữa"! Có ai học được chữ ngờ khi cuối mùa giải ấy, Serena một lần nữa phải ôm hận trước "con khốn" Sharapova ở chung kết WTA Championships dù đã thắng ván đầu tiên.
Mối hiềm khích giữa tôi và Serena càng mạnh mẽ hơn mà chỉ tiếc là tôi chẳng thể khiến cô ta buồn bã lâu. 19 lần tái đấu suốt từ năm 2005 đến nay, phần thua luôn thuộc về tôi, gồm cả 3 trận chung kết Grand Slam (Úc mở rộng 2007 và 2015, Roland Garros 2013)! Tôi có thêm 4 danh hiệu lớn nữa, bao gồm Úc mở rộng 2008, Pháp mở rộng 2012, 2014 và Mỹ mở rộng 2006.
Đính hôn với Vujacic rồi chia tay
Barbara Strycova từng khiến tôi ghét cay ghét đắng, không chỉ vì cô ta loại tôi ở chung kết trẻ Úc mở rộng 2002 mà còn việc Strycova cặp kè với Philipp Petzschner, người bạn trai đầu tiên mà tôi dành nhiều thiện cảm. Khi tập luyện ở Tây Ban Nha, tôi cũng rơi vào "tiếng sét ái tình" với Juan Carlos Ferrero khi mới 16 tuổi!
Tôi gặp Sasha Vujacic, một VĐV bóng rổ người Slovenia, trong bữa tiệc nướng ở nhà một người bạn năm 2009. Người bạn này chủ động đưa Sasha đến giới thiệu và tôi cảm mến anh ấy ngay. Chuyện tình của chúng tôi gặp khá nhiều thử thách, cụ thể là thói gia trưởng của Vujacic. Anh luôn muốn tôi bên cạnh anh trong căn nhà ở Los Angeles mà tôi thì có sẵn ngôi nhà to hơn, đẹp hơn chỉ cách đó vài con phố. Anh luôn đòi kiểm soát tôi mọi chuyện và khó chịu khi thấy tôi nổi tiếng hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Chúng tôi đã đính hôn năm 2012 nhưng chia tay sau đó không lâu. Trong lễ đăng quang Giải Pháp mở rộng 2012, tôi gửi lời cảm ơn tới rất nhiều người nhưng không đả động gì tới Sasha. Vậy là chia tay.
Sau tứ kết giải đấu ở Bắc Kinh 2012, tôi đọc được tin nhắn của người đại diện rằng Grigor Dimitrov muốn xin số điện thoại của tôi. Chẳng rõ là ai, tôi phải tìm kiếm trên Google để biết "đối tượng" là người Bulgaria, mới 21 tuổi, kém mình tới 4 tuổi. Chàng trai Dimitrov dần dần tiếp cận được tôi và sau vài lần gọi điện, anh ấy mạnh dạn tỏ tình.
Tôi do dự, đắn đo hồi lâu rồi trả lời: "Được thôi, nhưng không biết khi nào tôi mới sẵn sàng làm bạn gái của anh nhé!". Vẻ điển trai, sự chủ động và chân thành cùng cách tỏ tình khéo léo, Dimitrov khiến tôi xiêu lòng. Chỉ tiếc là chuyện tình đẹp này lại tan vỡ vào năm 2015, vào một tối trước thềm Wimbledon. Anh mở những trang sách về giải cho đến khi nhìn thấy tấm hình tôi ngồi cạnh mẹ của Dimitrov để cổ vũ cho anh 1 năm trước đó. Anh nói với tôi trong ánh mắt ngấn lệ: "Hình ảnh này là tất cả đối với anh!".
Tôi chợt hiểu, cũng như Dimitrov, rằng anh ấy cần một người luôn theo sát cổ vũ, động viên mình. Nhưng tôi còn phải lo cho những trận đấu của tôi, cho sự nghiệp của chính tôi. Lần ấy, tôi đi xem anh thi đấu chỉ vì tôi vừa bị loại sớm khỏi giải! Đến nay, duyên phận vẫn chưa đến và tôi ước gì mình và Dimitrov gặp nhau ở đúng thời điểm trong cuộc đời mình.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-9
Ít nhất 5 mảnh tình "vắt vai"
Ngoài Vujacic và Dimitrov, Sharapova còn từng hẹn hò với ít nhất 3 nhân vật nổi tiếng gồm ca sĩ Adam Levine, cựu tay vợt Andy Roddick và nhà sản xuất phim Charlie Ebersol. Sharapova vậy đã "vắt vai" ít nhất 5 mối tình, bằng đúng số danh hiệu Grand Slam cô sở hữu.
Bình luận (0)