Chương trình này đã được lên kế hoạch từ năm 2011, sau cuộc trò chuyện giữa Sir Alex và giáo sư Anita Elberse cùng cựu sinh viên trường Tom Dye. Cuộc trò chuyện dài này đã được thể hiện thành bài phỏng vấn vị HLV thành công bậc nhất của bóng đá Anh quốc với nhan đề “Sir Alex Ferguson: Cách quản trị Manchester United” về cách tiếp cận các trận đấu, trò chuyện nội bộ đội bóng cũng như cách kiểm soát những nhà triệu phú “mong manh, dễ vỡ”, cách ông dùng để gọi các cầu thủ.
Sir Alex nói chuyện chuyên đề HLV
Trong cuộc trò chuyện (hay bài phỏng vấn) kể trên, Sir Alex nhắc đến cách thức ngăn chặn lỗ rò thông tin nội bộ, các biện pháp giữ kỷ cương đội bóng, những điều cần làm để tạo hưng phấn cho cầu thủ… Theo ông, cầu thủ ngày nay được hưởng một cuộc sống đầy đủ nên yếu ớt hơn thế hệ đàn anh của họ cách đây 25 năm. Ông nhớ lại khi khởi nghiệp HLV tại East Stirlingshire năm 1974, ông năng động, tràn đầy nhiệt huyết và luôn khát khao chiến thắng mọi lúc mọi nơi. Tuổi tác và kinh nghiệm cho thấy, điều này là không thể nên mọi thứ giờ đây trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều, ở M.U… Để quản trị đội bóng, một tập thể mấy chục con người giàu tính cách, đa ngôn ngữ và nhiều thói quen khác nhau, ông không bao giờ chỉ trích cầu thủ trên sân tập. Với một cầu thủ, trên hết là với một con người, không có lời khen nào bằng hai chữ “rất tốt”. Đó cũng là hai từ dường như được phát kiến dành riêng cho giới thể thao!
Sir Alex cũng bàn về sự cần thiết của việc giữ kỷ cương đội bóng và tôn trọng kỷ luật, điều mà rất nhiều người muốn tường tận một khi đã nghe đến biệt danh “ngài sấy tóc” của ông. Theo ông, không thể lúc nào cũng hò hét và la mắng bởi không ai thích bị chỉ trích bao giờ. Tất nhiên, trong phòng thay đồ cầu thủ, rất cần phải chỉ ra những sai sót của cầu thủ để họ chỉnh sửa ngay. Ở M.U, ông thường làm điều đó ngay sau khi kết thúc trận đấu mà không bao giờ để qua ngày hôm sau. Và hết. Không thể cứ chỉ trích mãi sai sót của một cầu thủ.
Bí quyết từng giúp Alex Ferguson và M.U thành công trong nhiều trận chiến bằng cuộc lội ngược dòng là sử dụng nhiều biện pháp tâm lý trong giờ nghỉ giữa hai hiệp. “Tôi kể về rất nhiều câu chuyện khác nhau, kể cả chuyện tôi tưởng tượng ra để giúp cầu thủ tự tin hơn và chân thành với đồng đội hơn. Tôi chưa bao giờ đi nghe nhạc cổ điển nhưng một lần tình cờ có mặt ở chương trình biểu diễn của giọng ca opera lừng danh Andrea Bocelli, tôi suy nghĩ rất nhiều về tinh thần làm việc tập thể, đồng thanh bắt đầu và đồng thanh kết thúc, thật kỳ diệu. Tôi kể điều ấy với các cầu thủ và biết họ sẽ phải suy nghĩ nhiều về lối chơi đồng đội trong bóng đá.
Bình luận (0)