Ông Hỷ là thạc sĩ về thể thao, đang làm luận văn tiến sĩ khoa quản lý thể thao, nói: "Đến ngày 31-3 là hạn chót tiến cử danh sách ứng viên VFF khóa 8 lần thứ 2, vậy mà Tiểu ban Nhân sự vẫn chưa có thông báo bằng văn bản chính thức nào về tiêu chí bằng cấp để các tổ chức thành viên VFF tiến cử cho chính xác. Cách vậy là không tôn trọng các thành viên".
Bầu Đức đã lên tiếng đấu tranh vì sự minh bạch, công khai trong hoạt động ở thượng tầng VFF nhưng lãnh đạo ngành thể thao vẫn chưa quyết liệt vào cuộc
Trong những ngày qua, người hâm mộ rất nóng lòng xen lẫn thất vọng trước những câu trả lời chưa đi vào trọng tâm của Tổng cục TDTT cũng như sự im lặng của những người trong cuộc lẫn việc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chưa lên tiếng. Martin Lutherking - nhà hoạt động nhân quyền Mỹ gốc Phi, từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1964 - đã có thông điệp về hiện tượng im lặng như sau: Nỗi đau đớn nuối tiếc do những lời nói và hành động của người xấu không xót xa bằng việc người tốt không có hành động, thái độ hay bất kỳ phản ứng nào trước việc làm sai trái ấy.
Trong suy nghĩ của người hâm mộ, lãnh đạo ngành thể thao phải có trách nhiệm xử lý những chuyện không hay vừa qua trong lòng VFF nhằm đem lại lợi ích cho bóng đá Việt Nam bởi đây là môn thể thao được yêu thích nhất của người dân Việt Nam. Vậy nên, thái độ im lặng hoặc chưa vào cuộc quyết liệt này là một biểu hiện bất thường. Bao nhiêu năm qua, người hâm mộ đã chán nản và không ít người quay lưng với các giải bóng đá nội vì họ cảm thấy phản ứng, đấu tranh của họ để mọi chuyện tốt đẹp hơn không hề có hiệu quả và dường như nhận được ít sự quan tâm của các cấp ban ngành nhà nước.
Giờ đây, khi 2 Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức và Nguyễn Xuân Gụ cùng lên tiếng đấu tranh vì một nền bóng đá Việt Nam trong sạch mà vẫn tiếp tục bị lãnh đạo im lặng thì niềm tin trong lòng người dân sẽ cạn kiệt.
Bình luận (0)