Đặc biệt ở SEA Games lần này với thể thao Việt Nam là sự thắng thế của các môn Olympic.
SEA Games 30 chắc chắn sẽ đi vào lịch sử khi là kỳ đại hội ghi nhận những bước tiến mới của thể thao Việt Nam: Bóng đá nam lên ngôi vua sau 60 năm, bóng đá nữ đoạt ngôi hậu đến lần thứ 6, quần vợt lần đầu tiên có chức vô địch đơn nam sau hơn nửa thế kỷ, bóng bàn chờ 10 năm để giành lại chức vô địch đôi nam…
Đội tiếp sức hỗn hợp 4x400 m giành HCV - điểm sáng của điền kinh Việt Nam Ảnh: NGỌC LINH
Giới chuyên môn ghi nhận thể thao Việt Nam lần đầu tiên vượt mặt Thái Lan để giành vị trí nhì toàn đoàn ở một kỳ SEA Games tổ chức tại một quốc gia trung lập. Đóng góp đáng kể vào thành tích này, môn vật mới có tên trở lại ở SEA Games 30 vẫn giành 12/14 HCV, xếp số 1; điền kinh giành đến 16 HCV, lần thứ nhì liên tiếp vượt Thái Lan để nắm giữ vị trí số 1 dù trước ngày lên đường, một số VĐV trọng điểm bị chấn thương, phải xin giảm bớt chỉ tiêu thành tích; bơi cũng xuất sắc đoạt tới 11 HCV, 3 kỳ đại hội giữ vững vị trí hàng đầu khu vực chỉ sau cường quốc Singapore; cử tạ dự kiến giành 1 HCV nhưng vượt chỉ tiêu, giành tới 4 HCV trong bối cảnh Thái Lan bị cấm thi đấu dài hạn… Xuất sắc nhất trong các môn tập thể là việc bóng đá lần đầu giành cả 2 HCV nam - nữ, còn bóng rổ lần đầu có huy chương đại hội dù chỉ là 2 HCĐ.
Bóng đá được xếp số 1 cùng với điền kinh, vật, cử tạ, bắn cung; số 2 có bơi, canoeing, kayak, quần vợt trong khi số 3 là hàng loạt môn hấp dẫn như rowing, boxing, billiards, karatedo, bóng bàn, taekwondo, bóng chuyền, bóng rổ… chính là sự khẳng định thể thao Việt Nam đang đi đúng hướng ở nhóm môn cơ bản Olympic. Đây chính là nền tảng để chúng ta nghĩ đến những bước tiến vững chắc trong tương lai, đủ tự tin bỏ qua giai đoạn "đi tắt đón đầu" một thời thành công rực rỡ với những loại hình thể thao bản địa, không đủ sức vươn tầm ra sân chơi châu lục.
Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 30 chỉ với tổng số 856 thành viên, xếp thứ 7 sau chủ nhà Philippines với gần 2.000 người, Indonesia 1.700, Singapore 1.600, Thái Lan 1.500, Malaysia 1.100 và Myanmar gần 1.000 người. Với thành phần không quá đông đảo mà vẫn đạt thứ hạng chung cuộc ngoài mong đợi, các VĐV Việt Nam xứng đáng được tôn trọng với tài năng và lòng quả cảm. Đó thực sự là vốn quý, là tài sản quốc gia mà ngành thể thao phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, phát triển thay vì để có nơi, có chỗ tàn lụi dần vì chuyện sinh kế, vì những khó khăn không đáng có về cơ sở vật chất cho tập luyện và thi đấu.
Bên cạnh đó, cần hoạch định chiến lược phát triển lâu dài, căn cơ cho từng bộ môn, từng nhân tố xuất sắc để tài năng của họ được cống hiến tận lực cho quốc gia, mang về vinh quang cho màu cờ sắc áo Việt Nam.
Bình luận (0)