Từng chờ đợi, hy vọng rồi tuyệt vọng bởi mọi việc ngỡ đã đi vào quên lãng thì một ngày tháng 12-2020, người quản lý một phòng gym tại Hà Nội Trần Lê Quốc Toàn bất ngờ được thông báo sẽ được nhận lại tấm HCĐ Thế vận hội mà lẽ ra anh phải được trao ngay tại London từ mùa hè năm 2012. Thành tích và cả tấm huy chương nhuốm màu thời gian của cựu lực sĩ cử tạ quê Đà Nẵng này khiến buổi lễ xuất quân của đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic 2020 như chùng xuống vì xúc động.
Tại Thế vận hội London 2012, Trần Lê Quốc Toàn tranh tài ở hạng 56 kg và chỉ giành hạng 4 chung cuộc với thành tích tổng cử 284 kg, xếp sau các lực sĩ Om Yun-chol (CHDCND Triều Tiên, 293 kg), Wu Jing-biao (Trung Quốc, 289 kg) và Valentin Hristov (Azerbaijan, 286 kg). Thành tích này không tệ nhưng với Quốc Toàn, đó là một thất bại. Trước đó vài tháng, thành tích của Valentin Hristov còn kém Toàn đến 20 kg, vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, VĐV quốc gia Trung Á này đã đánh bại Toàn để giành HCĐ. Giới chuyên môn hiểu rõ hơn ai hết sự thăng tiến dữ dội như thế chỉ có thể từ sự tiếp tay của doping.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trao huy chương Olympic 2012 cho cựu lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Đoàn Thể thao Việt Nam trắng tay tại kỳ đại hội này và với việc không thể hoàn thành chỉ tiêu thành tích, sự nghiệp của Quốc Toàn đã rẽ theo một hướng khác. Thay vì được nhận thưởng lớn, được đầu tư trọng điểm để hướng tới thành tích cao hơn trên khắp các đấu trường thì lực sĩ quê Đà Nẵng lặng lẽ thi đấu nốt vài năm trước khi giải nghệ.
Thành tích được công nhận luôn là niềm vui không gì sánh bằng đối với các VĐV chân chính, nhất là khi họ đổ mồ hôi nước mắt và cả máu trong tập luyện và thi đấu. Tuy vậy, giá như công lý được thực thi sớm vài năm thì có lẽ câu chuyện của Quốc Toàn không nhuốm màu bi lụy như anh đã phải trải qua. Thành tích của Quốc Toàn được công nhận, bảng vàng của thể thao Việt Nam tại các kỳ Thế vận hội cũng được cải thiện với tổng cộng 5 huy chương, gồm 1 HCV (Hoàng Xuân Vinh, bắn súng, 2016), 3 HCB (Trần Hiếu Ngân, taekwondo, 2000; Hoàng Anh Tuấn, cử tạ, 2008; Hoàng Xuân Vinh, bắn súng, 2016) và 1 HCĐ (Trần Lê Quốc Toàn, cử tạ, 2012).
Được Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trao tận tay tấm HCĐ trong chiếc hộp đựng đã sờn màu theo thời gian, Trần Lê Quốc Toàn chúc các thành viên đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic 2020 gặt hái nhiều thành tích và nhất là không phải chờ đợi lâu như anh để được ghi nhận công trạng.
Câu chuyện tạm xem là kết thúc có hậu của cựu lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn cũng bàng bạc như việc lực sĩ Vương Thị Huyền mất suất đến Nhật Bản dự Thế vận hội 2020. Đó là hậu quả của việc 4 VĐV cử tạ Việt Nam bị cáo buộc sử dụng doping trong 2 năm 2019 và 2020. Với Vương Thị Huyền, đây là điều rất bất công, còn với thể thao Việt Nam, đây là bài học đắt giá.
Bình luận (0)