Thầy trò HLV Mai Đức Chung được trọng đãi ở những buổi tiếp đón và gặp gỡ Thủ tướng, Chủ tịch nước, những buổi lễ mừng công. Lần đầu tiên trong lịch sử, các cầu thủ nữ được quan tâm sâu sắc, không chỉ thể hiện bằng lời nói mà còn ở vật chất. Hàng chục tỉ đồng và nhiều hiện vật có giá trị được trao gửi cho đội tuyển.
Nhưng sau "cơn mưa" tiền thưởng, bóng đá nữ Việt Nam sẽ về đâu, trong bối cảnh thu nhập bình quân của cầu thủ nữ không cao, chỉ vào khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Xét về vị thế trên bảng xếp hạng FIFA, đội tuyển nữ quốc gia đang tạm thống trị bóng đá nữ khu vực Đông Nam Á nhưng không nhiều nữ cầu thủ Việt Nam có thể gắn bó lâu dài với nghề. Thời gian qua, giải nữ vô địch quốc gia có trường hợp đội bóng rút lui, giải thể vì thiếu kinh phí hoạt động, nhiều nữ cầu thủ bỏ nghề vì dính chấn thương nhưng không có điều kiện chữa trị hoặc thu nhập không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày.
Cơ chế hoạt động của bóng đá nữ Việt Nam hiện tại là một phần nguyên nhân dẫn đến những tình huống kể trên. Đơn cử, việc Nguyễn Thị Mỹ Anh, tuyển thủ góp công giành vé tham dự World Cup 2023, không có tên trong danh sách tuyển nữ quốc gia tập huấn ở Hàn Quốc vừa qua, đã khiến người hâm mộ bức xúc.
Cần thay đổi cơ chế hoạt động để bóng đá nữ Việt Nam phát triển vững mạnh. (Ảnh: VFF)
Không phải vì năng lực hay chấn thương, hậu vệ Mỹ Anh không thể góp mặt ở đội tuyển nữ Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 31 và cũng có thể vắng mặt tại World Cup 2023, vì vướng vào tranh chấp chuyển nhượng giữa 2 đội bóng.
Mỹ Anh xuất thân từ "lò" đào tạo TP HCM và đã kết thúc hợp đồng với đội bóng từ cuối năm 2021. Với mục tiêu đột phá, cải thiện thành tích ở giải quốc nội, đội nữ Thái Nguyên mạnh tay chi tiền để chiêu mộ ngôi sao, trong đó có Mỹ Anh. Đầu quân cho Thái Nguyên, Mỹ Anh sẽ nhận phí lót tay 500 triệu đồng cho 2 năm hợp đồng cùng mức lương 20 triệu đồng/tháng và trở thành trường hợp chuyển nhượng nữ cầu thủ có phí đầu tiên tại Việt Nam.
Nhưng bóng đá nữ Việt Nam hiện hoạt động theo cơ chế chưa chuyên nghiệp như các đồng nghiệp nam, chi phí hoạt động của đội bóng do ngân sách nhà nước cung cấp nên đã dẫn đến kết cục kém vui giữa nữ tuyển thủ này và nơi đã đào tạo ra cô. Vụ việc hiện đang chờ LĐBĐ Việt Nam (VFF) phân giải và có kết luận cuối cùng.
Tuổi nghề của nữ cầu thủ ngắn hơn so với đồng nghiệp nam và với cơ chế hoạt động hiện nay, cơ hội để họ phát triển, cống hiến càng nhỏ hẹp. Đội tuyển nữ quốc gia đã lọt vào đấu trường World Cup, điều mà đội tuyển nam chưa thể thực hiện nhưng hiện nay các nữ cầu thủ Việt Nam vẫn chưa được đối xử công bằng theo tiêu chí bóng đá chuyên nghiệp.
HLV Mai Đức Chung từng bày tỏ nguyện vọng có được ít nhất một cầu thủ Việt kiều trong đội hình tuyển nữ Việt Nam. Thời gian qua, một vài cầu thủ Việt kiều có đẳng cấp chơi bóng đỉnh cao, muốn được cống hiến trong màu áo tuyển Việt Nam nhưng bất thành cũng chỉ vì vướng cơ chế.
Muốn bóng đá nữ Việt Nam phát triển hùng mạnh, cần sớm phải thay đổi cơ chế, mô hình hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nữ cầu thủ xuất ngoại thi đấu, tăng thêm thu nhập và sự cạnh tranh cũng như chất lượng chuyên môn cho các giải đấu quốc nội.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-5
Kỳ tới: Khẳng định vị thế Đông Nam Á
Bình luận (0)