Tôi là 1 trong 50 người có tên trong International Media Expedition - chương trình trải nghiệm Liên bang Nga do Cục Thanh thiếu niên nước này tổ chức. Chương trình quy tụ tổng cộng 50 phóng viên, blogger tự do trên toàn cầu, với độ tuổi 18-35, đồng thời phải đạt một số lượng người theo dõi nhất định qua các phương tiện truyền thông xã hội.
50 người được chia thành 5 nhóm, thực hiện các chuyến đi khám phá truyền thống và văn hóa của nước Nga thông qua 11 thành phố được lựa chọn đăng cai VCK World Cup 2018. Qua đó, mỗi đội sẽ thực hiện các sản phẩm truyền thông đại chúng để đưa hình ảnh nước chủ nhà cúp thế giới hiện rõ hơn trong mắt những người hâm mộ bóng đá nói riêng cũng như bè bạn thế giới nói chung.
Sau khi khép lại ngày đầu làm quen ở Moscow, hành trình của tôi khởi đầu tại Volgograd - một trong 7 thành phố anh hùng vĩ đại của nước Nga. Nơi đây có sự gắn bó mật thiết với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của xứ sở Bạch Dương thời thế chiến thứ hai.
Nằm ngay con sông Volga thơ mộng, chỉ khoảng 1 triệu dân sinh sống, TP Volgograd từng trải qua 2 lần đổi tên, với 2 danh xưng trước đó là Tsaritsyn và Stalingrad. Ai đã có dịp đặt chân đến đây thì nhất định không thể bỏ qua điểm tham quan danh tiếng như Volgograd Arena hay các bảo tàng lịch sử, văn hóa. Thú vị hơn cả, những công trình này đều được nằm cạnh bờ sông Volga.
Để phục vụ ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, sân Volgograd 3 năm trước đã được tái thiết từ nền sân cũ (xây dựng cách đây… 60 năm). Đến tháng 4-2018, công trình mới được hoàn thành. Con đường đến với Volgograd Arena không giăng quá nhiều lá cờ, băng-rôn cổ động hay đặt các mô hình chào mừng như ở các đô thị lớn ở Moscow hay St Petersburg. Vì vậy, tôi có phần chưa thực sự hào hứng khi chứng kiến một quang cảnh khá đìu hiu. Song, khi VCK chính thức bắt đầu, tôi tin rằng mọi việc rồi sẽ ổn. Một sân vận động trẻ thì cũng cần có thời gian để làm quen với mọi người.
Nhìn bên ngoài sân Volgograd, chỉ có thể dùng từ "hoành tráng" để mô tả nó. Một mái vòm lớn với các thiết kế mảng đa giác, gây ấn tượng khá mạnh. Sân mới có sức chứa lên tới 45.000 khán giả. Ở thời điểm này, FIFA vẫn chưa cho phép bất cứ ai được vào sân nếu không có tên trong danh sách cán bộ, nhân viên chỉ định. Sân Volgograd sẽ đăng cai 4 trận đấu khuôn khổ vòng bảng World Cup 2018: Tunisia - Anh (bảng G, 18-6), Nigeria - Iceland (bảng D, 22-6), Ả Rập Saudi - Ai Cập (bảng A, 25-6) và Nhật Bản - Ba Lan (bảng H, 28-6).
Sân Volgograd về đêm
Đối diện Volgograd Arena là khu tưởng niệm "Đồi Mamaev" - nơi có một trong những bức tượng cao nhất thế giới mang tên "Mẹ Tổ quốc kêu gọi!" cao tận 85 m. Ðó cũng là tượng đài được xây dựng để vinh danh trận thắng Stalingrad lừng danh. Tham quan khu vực này đúng là một sự kết hợp hài hòa giữa thể thao và lịch sử.
Tạm biệt sân vận động, chúng tôi có dịp ghé qua Bảo tàng Chiến thắng Stalingrad - nơi lưu giữ những câu chuyện hào hùng thời thế chiến. Ngay từ lúc bắt đầu vào bảo tàng, đoàn chúng tôi đã được dẫn đến ngay phần triển lãm đặc sắc nhất - bức tranh toàn cảnh về "Trận chiến Stalingrad". Thông qua bức tranh sơn dầu có diện tích 2.000 m2 này, lịch sử về cuộc giao tranh tàn khốc một thời ở thế chiến thứ hai được tái hiện rõ mồn một trước mắt người xem.
Nếu du khách cảm thấy chưa thỏa mãn, Volgograd còn dành cho cả một buổi triển lãm mang tên "Nước Nga - lịch sử nước nhà", với một góc riêng biệt bên trong trung tâm báo chí thành phố. Thay vì trưng bày các hiện vật, họ chỉ dùng những màn hình led 3D để tái hiện những câu chuyện quá khứ, cũng như mô phỏng lối sống, tập tục người dân Nga một thời qua các bảng điện tử, có thể tương tác với người xem. Tôi quá đỗi nể phục với những điều họ đã làm được, từ ngày xưa cho tới tận hôm nay. Cái tâm, cái tầm cũng như cái tình với lịch sử nước nhà của họ đều hiển hiện qua cách lưu giữ, trưng bày...
Bình luận (0)